Hiệu quả chuỗi sản xuất rau an toàn trái vụ ở Mộc Châu

Thời gian qua, những thành viên HTX Nông nghiệp Dũng Tiến (Mộc Châu) đã phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phát triển sản xuất rau an toàn trái vụ theo chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh... góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ổn định, bền vững.

 

 

Thành viên HTX Nông nghiệp Dũng Tiến chăm sóc giống cà chua ghép trên cây cà tím.

 

HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, ở bản 83, xã Phiêng Luông (Mộc Châu) được thành lập từ năm 2016, với 8 thành viên tham gia, quy mô sản xuất trên diện tích 2 ha. Thời điểm mới thành lập, HTX chỉ sản xuất rau chính vụ, sản phẩm làm ra chưa có hợp đồng sản xuất tiêu thụ, chưa đưa vào được các nhà máy chế biến, các siêu thị nên giá trị canh tác chỉ đạt 160 triệu/ha/năm/3 vụ sản xuất. Đến năm 2019-2020, HTX Nông nghiệp Dũng Tiến được Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng DAH 86 lựa chọn tham gia dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo hướng hữu cơ (quy mô liên huyện Mộc Châu, Vân Hồ)”, dự án đã giúp giảm công lao động, tăng giá trị sản phẩm của nông dân, tăng diện tích đất sản xuất được chứng nhận VietGAP tăng lên 5 ha.

 

Ông Dương Anh Hùng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng DAH 86, cho biết: Năm 2019-2020 dự án đã hỗ trợ sản xuất 10 ha rau cho HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, chủ yếu là rau trái vụ (7 ha bắp cải, 2 ha rau cải, 1 ha cà chua ghép trên gốc cà tím), với 12 hộ tham gia mô hình; Nhà nước hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để giúp HTX phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo hướng hữu cơ, trong quá trình sản xuất Công ty chịu trách nhiệm điều hành hoạt động tiêu thụ và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt yêu cầu của dự án; đồng thời, cung ứng giống, vật tư phân bón... Khi triển khai dự án, các thành viên, hộ sản xuất tham gia được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho bắp cải, rau cải, cà chua đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, quản trị chuỗi giá trị cho các thành viên HTX; tập huấn nâng cao năng lực thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Dũng Tiến còn được hỗ trợ 2.000 sọt nhựa cứng đựng sản phẩm, 10.000 tem nhãn sản phẩm, 42 kg túi lưới.

 

 

Thành viên HTX Nông nghiệp Dũng Tiến chăm sóc bắp cải trái vụ

 

Vụ rau năm 2020, thời điểm tháng 2 đến tháng 5 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá các loại rau xuống rất thấp. Tuy nhiên, các loại cây bắp cải, cà chua thuộc dự án được trồng trái vụ so với các vùng rau khu vực phía Bắc, nên có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất. Đến thời điểm này, 100% các sản phẩm rau an toàn trong chuỗi đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc để cung ứng cho Công ty NatuPro Hà Nội, HTX rau Đông Anh - Hà Nội, các cửa hàng rau sạch ở Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên và bán buôn tại Chợ đầu mối Văn Quán (Hà Nội)...

 

Ông Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, cho biết: Qua thực hiện dự án, số thành viên của HTX tăng lên 12 thành viên, ngoài ra còn có 10 hộ đăng ký tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với HTX. Ước tính tổng sản lượng năm 2020 đạt gần 600 tấn rau các loại. Năng suất cao hơn nhiều so với trước khi tham gia dự án; HTX có doanh thu trên 300 triệu đồng/1 ha rau/năm.

 

Có thể thấy, dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo hướng hữu cơ” đã có những định hướng rõ ràng về loại cây rau có thể phát triển thành thế mạnh của vùng, cũng như việc mở ra những thị trường tiêu thụ tiềm năng, để góp phần phát triển chuỗi bền vững, lâu dài hơn. Đồng thời, giúp giải quyết việc làm, định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế hộ gia đình; tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với tiến bộ KHKT, mạnh dạn đầu tư vào các sản phẩm nông sản chủ lực, có thế mạnh; thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, có sự liên kết giữa các thành phần kinh tế; nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và hình thành đầu ra nông sản ổn định cho nông dân.

 

Hiệu quả của dự án sẽ góp phần phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước tăng thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững, góp phần tham gia tích cực các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới