Hiệu quả các mô hình chăn nuôi ở Hua Trai

Chuyển dần từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, những năm qua xã Hua Trai (Mường La) đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập và đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

 

 

Người dân bản Nà Lời, xã Hua Trai (Mường La) chăm sóc đàn trâu, bò.

                 

Để bà con có vốn, có kiến thức chăn nuôi, từ năm 2019 đến nay, xã Hua Trai đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của xã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 21 tỷ đồng cho trên 730 hộ dân vay mua con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức trên 20 lớp tập huấn cho hơn 900 lượt người. Nội dung tập huấn, tập trung hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi; dự trữ rơm khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc... Hằng năm, tổ chức tiêm các loại vắcxin: Dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... cho 90% tổng đàn gia súc, gia cầm; phun khử trùng, tiêu độc trên 85% diện tích chuồng trại chăn nuôi; duy trì 35 ha cỏ voi...  Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Hiện, toàn xã có trên 2.400 con trâu, bò; hơn 2.000 con dê; 4.300 con lợn trên 2 tháng tuổi và 48.000 con gia cầm các loại. Từ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên/năm, như gia đình các ông: Lò Văn San (bản Po); Quàng Văn Pùn, Cà Văn Hương (bản Le); Quàng Văn Diên (bản Nà Lời)...

                 

So với các bản trong xã, bản Po có số lượng gia súc, gia cầm khá lớn, với gần 400 con trâu, bò; hơn 70 con dê; trên 2.000 con gia cầm... Ông Quàng Văn Dương, Bí thư Chi bộ bản Po cho biết: Chi bộ đã chỉ đạo Ban Quản lý bản vận động bà con xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; lồng ghép nội dung trao đổi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi trong cuộc họp bản, qua đó giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào chăn nuôi. Ngoài tận dụng lá ngô, rơm rạ... bà con còn trồng gần 10 ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc...

                 

Đến thăm mô hình chăn nuôi dê sinh sản của gia đình ông Cà Văn Hương, bản Le (Hua Trai), trước đây gia đình ông chỉ nuôi gia cầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Năm 2019, được cán bộ xã, bản tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản, gia đình đã đầu tư làm chuồng trại kiên cố, mua 20 con dê cái về nuôi. Do áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên đàn dê sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay, gia đình ông có hơn 30 con dê; thu nhập từ nuôi dê được hơn 80 triệu đồng/năm.

                 

Thời gian tới, xã Hua Trai tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu để trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi; hướng dẫn nhân dân mở rộng các mô hình chăn nuôi nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi; tăng cường hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh... góp phần giúp người dân trong xã giảm nghèo bền vững.

 

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới