Hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi

Trong 20 năm qua, chính sách tín dụng của Chính phủ đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Sốp Cộp được vay vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phiên giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp.

Gia đình anh Sộng Bả Vự, bản Pu Hao, xã Mường Lạn, trước đây là hộ nghèo của bản. Gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH mua 2 con bò sinh sản và đầu tư vào sản xuất. Anh Vự chia sẻ: Tôi đang vay thêm 50 triệu đồng đầu tư chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn, chuyển từ chăn thả sang nuôi nhốt và đầu tư mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong bản. Hiện, gia đình duy trì nuôi từ 25-30 con bò, tổng mức thu nhập của gia đình đạt trên 300 triệu đồng/năm, có điều kiện cho con ăn học đầy đủ.

Còn đối với gia đình chị Ngân Thị Nghĩa, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, trước đây cũng là hộ nghèo. Gia đình chị được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Gia đình chị đầu tư trồng 1 ha cây cam, quýt và nuôi bò lai sind, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm và đã thoát nghèo. Thấy hiệu quả, gia đình chị tiếp tục vay 50 triệu đồng đầu tư trồng thêm 3 ha cây cam ruột đỏ, quýt chum, quýt Thái... Cây đang phát triển tốt và chuẩn bị cho vụ thu hoạch đầu tiên. Chị Nghĩa chia sẻ: Nhờ có nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập thoát nghèo bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Sốp Cộp, cho biết: Sau 20 năm triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn huyện, hiệu quả lớn nhất là nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách đã thay đổi theo hướng tích cực. Từ chỗ e ngại không dám vay vốn, không biết đầu tư vào con gì, cây gì cho hiệu quả. Thì đến nay, người nghèo đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tích cực lao động, sản xuất, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mặt khác, nguồn vốn chính sách tín dụng đã phát huy tối đa hiệu quả, giúp giảm hộ nghèo của huyện xuống còn 37% theo tiêu chí mới.

Đến nay, trên địa bàn huyện Sốp Cộp có trên 30.000 lượt hộ được vay vốn chính sách tín dụng. Trong đó, trên 14.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động; xây dựng và cải tạo trên 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 1.500 ngôi nhà cho hộ nghèo... Hàng năm, đã giúp cho 3.155 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện bình quân từ 4-5%/năm.

Ngân hàng CSXH huyện và Ban Giảm nghèo, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội nhận ủy thác ở các xã duy trì giao dịch định kỳ tại trụ sở 8 xã. Đồng thời, xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% số bản, cụm dân cư trên địa bàn huyện, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; thủ tục vay vốn đơn giản, nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sốp Cộp, cho biết: Đơn vị đang thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ gần 336 tỷ đồng, giúp cho 6.530 hộ được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, mức cho vay tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ. Phòng giao dịch phối hợp tốt với Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên kiện toàn củng cố 177 tổ tiết kiệm và vay vốn, thường kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.

Hội Nông dân huyện Sốp Cộp có gần 9.000 người hội viên, những năm qua, Hội luôn làm tốt việc quản lý nguồn vốn và giúp nhiều hội viên nghèo tiếp cận các chương trình cho vay, hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ông Lường Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sốp Cộp, cho biết: Đến nay, nguồn vốn do Hội quản lý, nhận ủy thác là 11 tỷ đồng, với 58 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 2.117 hộ hội viên nông dân vay vốn. Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát các thành viên vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Có thể thấy, 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới