Hiệu quả bước đầu Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản

Nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói được thành lập từ Dự án “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học nông nghiệp cho nhóm cộng đồng nghèo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Sơn La”, do Tổ chức Bánh mỳ thế giới (Đức) và Tổ chức Manos Unidas (Tây Ban Nha) tài trợ. Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) là cơ quan điều phối Dự án và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sơn La là cơ quan phối hợp tại địa phương.

 

Buổi sinh hoạt của nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói, xã Bon Phặng (Thuận Châu).

 

Dự án mới được triển khai từ tháng 3/2018, đến nay đã thành lập được 8 nhóm Quỹ tiết kiệm ở 8 bản thuộc 2 xã: Muổi Nọi và Bon Phặng với sự tham gia của 220 thành viên (trong đó có 170 hộ nghèo và cận nghèo, hơn 80% thành viên là phụ nữ). Mô hình Quỹ tiết kiệm và vay vốn tại bản được hình thành bước đầu đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thói quen tiết kiệm chủ động, tự đóng góp và chia sẻ nguồn tiết kiệm để tạo nguồn vốn nhỏ trong cộng đồng, hỗ trợ nhau vay vốn phát triển các hoạt động sản xuất, tu sửa nhà cửa, chuồng trại, đầu tư học hành cho con.

 

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tới xã Bon Phặng (Thuận Châu) cùng dự buổi sinh hoạt với nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói, thật ấn tượng khi nhiều chị em không biết chữ nhưng vẫn dễ dàng tham gia do mô hình vận hành đơn giản, không phải tính toán nhiều.

Buổi sinh hoạt diễn ra chưa đến 1 tiếng đồng hồ, xong đã huy động được 1.560.000 đồng để cho 3 người vay vốn với lãi suất 1%/tháng, trong thời hạn từ 5-6 tháng. Cầm trên tay số tiền 500.000 đồng vừa vay từ nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói, chị Lò Thị Hồng nói: Hiện nay, giá vịt giống là 15.000 đồng/con. Với số tiền này, tôi sẽ mua hơn 30 con vịt giống để nuôi, sau 5-6 tháng, vịt sẽ đạt trọng lượng từ 2-3kg/con, với giá bán tại bản 100.000 đồng/kg, trừ hết chi phí có thể lãi khoảng 30.000-40.000 đồng/con.

Nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói là nhóm tiết kiệm, cho vay tự chủ và độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của nhóm là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư cho các thành viên vay lại. Hiện nay, nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói có 30 thành viên nữ tham gia, đều thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, có người còn chưa biết chữ, xong cũng tích cực tham gia sinh hoạt. Chị Lò Thị Thư, Trưởng nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản Tói cho biết: Mỗi tháng, nhóm sinh hoạt 1 lần. Khi tham gia phong trào tiết kiệm, mỗi người được phát một cuốn sổ thành viên và nhóm tự quy ước mỗi chấm đỏ (cổ phần) đóng trong sổ tương đương 20.000 đồng. Chị em dễ dàng được vay vốn đầu tư mua con giống để phát triển kinh tế hoặc sử dụng vào những mục đích cần thiết của gia đình. Đến cuối năm, tất cả số tiền vốn và tiền lãi sẽ được cộng lại và chia đều cho số cổ phần tham gia, số tiền đó các thành viên được lấy về.

Song song với hoạt động tiết kiệm, nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản cũng là môi trường để các hộ gia đình có sân chơi, diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp tăng vai trò, tiếng nói cho phụ nữ và tăng tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau trong cộng đồng dân cư.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Ngay sau khi thành lập, thành viên của 8 nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản đã tiến hành gửi tiết kiệm ngay trong buổi đầu sinh hoạt. Tổng số tiền tiết kiệm đã được huy động trong buổi đầu là 10.640.000 đồng, đã cho 17 hộ gia đình nghèo và cận nghèo vay để mua cây giống, con giống, phân bón... phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh số tiền tiết kiệm để cho vay, 8 nhóm Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản cũng đã huy động được 1.125.000 đồng tiền quỹ xã hội để dành cho các hoạt động thăm hỏi, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản được hoạt động định kỳ 1-2 lần/tháng đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, ở đó các thành viên đều có quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Cơ chế vận hành minh bạch, tạo cơ hội tiếp cận vốn công bằng cho tất cả các thành viên tham gia, bao gồm những thành viên nghèo nhất. Đồng thời, tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu khác nhau của các thành viên, từ việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh đến khoản tiền nhỏ để đóng học phí cho con. Cơ chế này sẽ khuyến khích cả việc tiết kiệm và vay vốn để phát triển kinh tế của các thành viên. Cùng với đó, Quỹ tiết kiệm và vay vốn bản còn tạo sự gắn kết để các thành viên chia sẻ và thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, giúp chị em trở nên tự tin, mạnh dạn hơn. Qua đó, chị em được thực hành quyền ra quyết định của mình thông qua điều hành các buổi sinh hoạt, được phát triển nội lực, áp dụng các mô hình ở địa phương một cách sáng tạo và hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới