Hãy hành động vì nguồn tài nguyên rừng

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Pháp lệnh trồng rừng trong cả nước. Người khuyên nhân dân thi đua trồng rừng, mang lại lợi ích lâu dài. Ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 380/QĐ-TTg lấy 28/11 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

 

Chia sẻ cảm xúc, ông trung niên tỏ ra hết sức phấn khởi:

- Nhân dịp này, phát động tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái; thi đua lao động sản xuất, phát triển rừng với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, sử dụng tài nguyên rừng bền vững, hợp lý, tiết kiệm. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể, địa phương, đơn vị làm tốt công tác phát triển, bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng; xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, hoạt động dịch vụ môi trường rừng, cải thiện sinh kế người dân... 

Rất thông hiểu, bác da ngăm ngăm ngọn ngành hơn:

- Dù thế nào chúng ta cũng phải tổ chức quản lý, bảo vệ tốt nhất diện tích rừng hiện có, rừng trồng mới, rừng đặc dụng theo quy hoạch các giai đoạn 2016-2020, 2020-2030 và tầm nhìn xa hơn; nâng cao chất lượng các loại rừng, tăng độ che phủ rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, kinh doanh, rừng trồng, bảo vệ tốt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tích cực trồng cây phân tán, trồng lại rừng sau khai thác…; tiếp tục thực hiện Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” do KFW hỗ trợ; nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm lâm nghiệp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ lâm nghiệp, hệ thống đường vận chuyển lâm sản; cấp chứng chỉ quản lý bền vững cho diện tích rừng trồng các giai đoạn. Đồng thời, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, hạn chế các vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Loay hoay trên ghế, anh chàng nhỏ thó nhăn trán:

- Tại sao biết thiên nhiên phục vụ đời sống mà người ta vẫn lấn chiếm, phá rừng, làm suy thoái rừng vì những mục đích khác nhau? Biết canh tác hữu cơ tốt cho đất và hệ sinh thái mà bà con ta vẫn lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong sản xuất, trồng trọt? Theo em, ngoài tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, cần phân tích đánh giá tác động của ngành Lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung; tổng kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng tốt trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, tầm nhìn nhiều năm sau; triển lãm thành tựu, hội thảo khoa học, kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu khoa học lâm nghiệp điều tra, quy hoạch rừng, thực hiện các dự án lâm nghiệp khả thi. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quy hoạch, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Vỗ vai đàn em, ông trung niên hồ hởi ra mặt:

- Chú nói chính xác! Không thể chấp nhận ở đâu cũng thấy nhiều người hơn, nhưng diện tích rừng, muông thú và các sản phẩm từ rừng lại ngày càng bị thu hẹp và ít đi. Nếu không ngăn chặn, vô hiệu hóa tình trạng khai thác tài nguyên rừng bừa bãi, thiếu khoa học, chúng ta sẽ đối mặt với thảm họa trong tương lai gần. Vẫn biết muốn bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tốt tài nguyên rừng còn phụ thuộc vào tập quán canh tác, phương pháp giáo dục, nhận thức và trách nhiệm của con người, nhưng phải siết chặt hơn nữa luật pháp, để luật pháp trực tiếp hỗ trợ bảo vệ tài nguyên rừng. Mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển, khai thác tài nguyên rừng chứ không thể tự trở thành “lâm tặc” để rồi cứ chặt cây, phá rừng, hủy hoại môi trường sống, khiến nguồn động vật, thực vật bản địa tuyệt chủng, các loài côn trùng hữu ích mất dần. Khó có thể thay đổi tư duy của tất cả, nhưng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến tốt, xử lý thích đáng, nghiêm minh theo pháp luật sẽ có tác dụng răn đe, cảnh báo, triệt tiêu thái độ ích kỷ, xem nhẹ và vô cảm đối với tài nguyên rừng.

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới