Hành trình trên đất nước Triệu Voi • Kỳ 3: Sợi dây gắn bó giữa hai dân tộc

Trong hành trình đến các tỉnh Bắc Lào, chúng tôi được gặp và trò chuyện với nhiều cán bộ của các tỉnh bạn từng học tập tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có tỉnh Sơn La, cùng những câu chuyện của người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên đất nước Triệu Voi. Họ đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Lào, đồng thời là cầu nối, vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.

 Lưu học sinh Lào học tiếng Việt tại Trường Đại học Tây Bắc. 

Gặp lại những lưu học sinh Lào

Đến các tỉnh Bắc Lào, khó có thể diễn tả hết được những tình cảm và sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo các tỉnh, các đơn vị, sở, ngành dành cho Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sơn La. Càng phấn khởi hơn khi được biết thông tin, nhiều lưu học sinh Lào sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập ở Việt Nam đang công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, trong đó, nhiều người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của quê hương, đất nước Lào.

Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Sơn La trao Chứng chỉ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào.   

Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Am Phay Von, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy U Đôm Say, chị có 5 năm từ 1999-2004, học Tiến sỹ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong thời gian học tập tại thủ đô Hà Nội đã giúp chị hiểu hơn về phong tục, văn hóa và con người Việt Nam. Chị đã đi thăm, tìm hiểu nhiều danh lam, thắng cảnh của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Chị Am Phay Von chia sẻ: Trong thời gian học tập ở Việt Nam, lưu học sinh Lào luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo và bè bạn. Chúng tôi cảm giác ấm cúng như ở quê nhà, người dân Việt Nam rất thương yêu đùm bọc các lưu học sinh Lào. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới dành cho người dân Lào tình cảm như thế.

Chị Sổm Mỏn - Say Nhạ Vông, ở tỉnh Phông Xa Lỳ, học y sỹ đa khoa tại Trường Cao đăng Y tế Sơn La từ năm 2014-2016, cho biết: Thời gian học tập ở Sơn La là quãng thời gian ý nghĩa mà tôi không thể quên; không những giúp tôi có kiến thức để chữa bệnh cứu người, mà còn giúp tôi hiểu về văn hóa, con người Sơn La thân thiện, mến khách; cũng như tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Sơn La và tỉnh Phông Sa Lỳ nói riêng, với các tỉnh Bắc Lào nói chung.

Hiện vẫn còn rất nhiều lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng tại các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam. Đây chính là kết quả của việc hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào, trong đó, hợp tác về giáo dục và đào tạo được xác định là lĩnh vực hợp tác chiến lược quan trọng giữa hai nước.

Đối với tỉnh Sơn La, thực hiện biên bản ký kết giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, từ năm 1969, đến nay, tỉnh Sơn La đã đào tạo giúp các tỉnh Bắc Lào hàng nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ lưu học sinh Lào trong thời gian học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, có 2.980 lưu học sinh Lào học tập tại tỉnh Sơn La. Trong đó, 2.117 lưu học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo về nước công tác; hiện có hơn 800 lưu học sinh Lào đang học tại Trường đại học Tây Bắc; Trường cao đẳng Sơn La; Trường cao đẳng Y tế Sơn La; Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sơn La. Ngoài ra, còn có trên 600 cán bộ của các tỉnh Bắc Lào được đào tạo về tiếng Việt trở về nước công tác.

Tỉnh U Đôm Xay, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc.

Ông Phon Say - Ỏn Sạ, Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Phông Sa Lỳ, chia sẻ thêm: Nhiều năm nay, đã có hàng trăm sinh viên, cán bộ của tỉnh Phông Sa Lỳ được đào tạo tại tỉnh Sơn La trở về công tác. Trong giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 156 lưu học sinh của tỉnh Phông Sa Lỳ sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng, được hỗ trợ từ nguồn ngân sách đào tạo của tỉnh Sơn La. Những cán bộ, sinh viên của tỉnh từng học tập tại Sơn La nói riêng, Việt Nam nói chung, sau khi hoàn thành khóa học về nước đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước Lào.

Suốt thời gian công tác tại các tỉnh Bắc Lào, ở những nơi Đoàn đến làm việc đều gặp những lưu học sinh Lào từng học tập tại các trường đại học ở Việt Nam nói chung, Sơn La nói riêng và khi trò chuyện với họ, chúng tôi đều cảm nhận tình cảm đặc biệt dành cho đất nước, con người Việt Nam. Nhiều lưu học sinh Lào tốt nghiệp về nước công tác và giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và phát triển nước Lào, không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam, mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào, giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.

Người Việt Nam trên đất Lào

Đến tỉnh Phông Sa Lỳ, chúng tôi được bố trí tại Khách sạn Hữu nghị 3. Thật thú vị khi được biết đây là khách sạn của người gốc Việt Nam xây dựng, đó là doanh nhân Phí Văn Mai (tên tiếng Lào là Sổm Mai - Búp Phả Phi). Nhắc đến ông Sổm Mai, hầu như cộng đồng người Việt tại các tỉnh Bắc Lào đều biết bởi ông là Giám đốc Công ty Xây dựng Xôm Pa Sang, doanh nghiệp có tiếng ở trong vùng. Ông Mai cũng là chủ 3 khách sạn Hữu nghị tại các tỉnh Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay và Luông Pha Bang, tạo việc làm cho gần 100 lao động Lào. 

Ông Phí Văn Mai kiểm tra lượng khách ở khách sạn Hữu nghị tại tỉnh Phông Sa Lỳ.

Ấn tượng đầu tiên về ông Mai là nụ cười hồn hậu và giọng nói chân chất, mộc mạc. Trong câu chuyện với ông Mai, chúng tôi được biết: Ông sinh ra tại tỉnh Vĩnh Phú, nay là tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Mai học nghề xây dựng  và làm việc tại Công ty Xây dựng Văn Phú - Luông Nậm Thà, tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1990, có chương trình đưa cán bộ hỗ trợ các tỉnh Bắc Lào, ông Mai cùng một số anh em được cử đi và gắn bó với các tỉnh Bắc Lào từ ngày đó đến nay. Ông Mai chia sẻ: Ngày đó, các tỉnh Bắc Lào còn nghèo lắm, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, chúng tôi được cử tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông tại một số tỉnh như: U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Luông Nậm Thà. Các tỉnh Bắc Lào tuy nghèo nhưng rất bình yên, người dân hiền hòa, mến khách, đặc biệt rất quý mến người Việt Nam.

Chính những năm tháng tại vùng đất Bắc Lào, năm 1994, ông Mai đã nên duyên với cô gái Lào xinh đẹp. Năm 2000, ông quyết định nhập Quốc tịch Lào, từ đó nước Lào trở thành quê hương thứ 2 của ông. Phát huy chuyên ngành được học về xây dựng, sau nhiều năm làm ăn, gom góp vốn liếng, năm 2000, ông thành lập Công ty Xây dựng Xôm Pa Sang. Với đầu óc thông minh, nhạy bén, làm ăn uy tín, chất lượng, đi đâu, ông cũng được cấp ủy, chính quyền và người dân Lào quý mến, giúp đỡ. Công ty của ông được lựa chọn thi công nhiều công trình lớn của các tỉnh Bắc Lào như: xây dựng trụ sở làm việc, trường học, đường giao thông, công trình thủy lợi...

Là một trong những người rất có uy tín trong cộng đồng người Việt tại các tỉnh Bắc Lào, ông Mai được bà con người Việt bầu làm Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh U Đôm Xay; Chủ tịch Hội Doanh nghiệp các tỉnh Bắc Lào. Ông chia sẻ: Hiện, cộng đồng người Việt Nam ở U Đôm Xay có hàng nghìn người sinh sống, lao động bằng nhiều nghề khác nhau. Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp các tỉnh Bắc Lào có hơn 200 thành viên là những công ty, hộ kinh doanh của người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào. Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển; cùng nhau vun đắp truyền thống tốt đẹp của hai đất nước Việt Nam - Lào.

Khách sạn Hữu nghị của ông Phí Văn Mai tại tỉnh U Đôm Xay.

Hành trình trên đất nước Triệu Voi, chúng tôi được đến thăm Hội chợ tại tỉnh Luông Nậm Thà, được gặp những tiểu thương người Việt Nam kinh doanh các gian hàng tại hội chợ. Hội chợ bày bán rất nhiều mặt hàng, từ đồ ăn, quần áo, quà lưu niệm, đồ mỹ nghệ, những sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương...  Các tiểu thương cho biết, những ngày đầu qua nước bạn Lào mưu sinh, mọi sinh hoạt, buôn bán đều rất khó khăn bởi không biết tiếng bản địa. Song được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt nơi đây và sự cảm thông, chia sẻ của người dân Lào, họ dần vượt qua những khó khăn ban đầu, nhiều người Việt Nam giờ đây nói thành thạo tiếng Lào như người dân bản địa.

Quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, anh Trần Văn Hoàng cùng vợ đã có thâm niên gần 10 năm buôn bán tại các tỉnh Bắc Lào. Biết chúng tôi là người Việt Nam sang, anh Hoàng vui lắm, với anh, gặp bất kì người Việt Nam nào sang, cũng mừng như gặp người quen vậy. Anh Hoàng bảo: Nhóm chúng tôi có 15 hộ gia đình ở tỉnh Nam Định đi theo các hội chợ của các tỉnh Bắc Lào. Bình quân tại mỗi địa điểm chúng tôi tham gia 10 ngày rồi chuyển sang địa phương khác. Mỗi tháng, trừ chi phí bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt cũng có thể tích luỹ được chút ít, vừa gửi về cho gia đình ở quê, vừa tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh.

Người Việt mưu sinh trên đất Bắc Lào làm đủ mọi nghề, nhiều nhất là mở quán ăn, bán hàng và xây dựng. Họ sống thành cộng đồng, hài hòa với người dân nước bạn. Và dù làm nghề gì, thì bản tính cần cù, chịu thương chịu khó và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam cũng luôn được duy trì và đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.

Rất nhiều người Việt chọn đất nước Triệu Voi là quê hương thứ hai dù Lào vẫn là đất nước còn nhiều khó khăn. Với các sinh viên Lào, mặc dù hiện nay có nhiều nước có chính sách hỗ trợ hấp dẫn, nhưng nhiều bạn vẫn chọn đến Việt Nam, đến Sơn La để học tập. Họ thực sự tạo nên sợi dây gắn bó giữa hai dân tộc, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào, giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào.

(còn nữa)

Việt Anh - Quàng Hưởng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới