Hàng Việt về bản

Hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với cách làm sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Nhiều hàng hóa của Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và cung ứng các mặt hàng có chất lượng tới người tiêu dùng tại những vùng sâu, vùng xa.

           

 Tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

           

Cửa hàng tạp hóa của chị Lò Thị Hương, bản Nong Tầu Thái, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) có nhiều mặt hàng được bày bán nhất ở xã, đa số đều là hàng nội địa “made in Vietnam”. Chị Hương chia sẻ: Do được tuyên truyền, vận động, giờ cả người bán và người mua đều ưu tiên sử dụng các mặt hàng được sản xuất trong nước. Thứ nhất là giá cả của các mặt hàng nội địa khá vừa với túi tiền của bà con; thứ hai là các loại hàng hóa được các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát nên bà con rất yên tâm về chất lượng. Đều đặn, cứ 3 đến 5 ngày là xe ô tô của các đại lý sẽ chở hàng từ Thành phố, thị trấn Hát Lót lên xã một lần, mặt hàng nào thiếu sẽ được bổ sung luôn.

Người dân mua sắm hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Quỳnh Nhai (tháng 12/2020).

           

Còn chị Nguyễn Nhật Linh, phường Chiềng Sinh (Thành phố), cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng các loại trái cây nhập khẩu. Những năm gần đây, các loại nông sản do người dân mình sản xuất đã có chứng nhận an toàn thực phẩm, lại sẵn mùa nào thức đấy, giá hợp lý, nên không có lý do gì không mua. Bên cạnh đó, những vật dụng hằng ngày tôi cũng đều đến siêu thị lựa chọn các thương hiệu trong nước, bởi chất lượng không thua kém gì hàng nhập khẩu.

           

Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người dân tin dùng các sản phẩm hàng Việt Nam. Qua khảo sát cho thấy, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 80%; tại chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tỷ lệ hàng Việt chiếm 75% và có tới 95% người dân lựa chọn các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có nguồn gốc nội địa.

           

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng được thị phần, nhất là các kênh bán lẻ hiện đại. Nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức cũng tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

           

Xây dựng thêm nhiều thương hiệu hàng Việt

           

Cùng với việc làm thay đổi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng, sau hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh, góp phần tạo nên những thương hiệu được nhiều người tin dùng, như: Sữa Mộc Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, cà phê Sơn La, chè Phổng Lái (Thuận Châu), gạo nếp Mường Và (Sốp Cộp), cá tầm Sơn La và nhiều loại rau, quả mang thương hiệu Sơn La.

Sản phẩm của HTX đồ gỗ gia đình ON tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao huyện Phù Yên năm 2020.

Ảnh: PV

Ra mắt thị trường được hơn 1 năm, các sản phẩm đồ gỗ gia dụng của HTX đồ gỗ gia đình ON, khối 16, thị trấn Phù Yên (Phù Yên) được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng và xuất khẩu ra nước ngoài...

           

Anh Đặng Ngọc Trung, Giám đốc HTX, chia sẻ: Khi mới bắt đầu sản xuất, các sản phẩm của chúng tôi chủ yếu được người quen mua ủng hộ. Xác định hướng đi lâu dài, muốn mở rộng thị trường thì phải chinh phục được khách hàng, HTX đã nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; thường xuyên tham gia các hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã tiếp cận được thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đang tập trung sản xuất các đơn hàng tại chỗ và nhiều đơn vị từ các tỉnh Hà Nội, Đà Nẵng và gia công 1 số sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

           

Tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Quỳnh Nhai được tổ chức cuối năm 2020, anh Nguyễn Văn Tuấn, quản lý bán hàng Công ty TNHH hải sản Hải Thịnh (Nam Định), cho biết: Mục tiêu của doanh nghiệp là quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của mình tới khách hàng và tìm kiếm được các cơ hội hợp tác với các nhà phân phối, bán lẻ. Mặt khác, thông qua các phiên chợ, chúng tôi cũng thu thập được nhiều thông tin, góp ý để xác định và lập ra những chiến lược kinh doanh mới cho sản phẩm và dịch vụ của mình sao cho phù hợp với thị trường và yêu cầu của khách hàng.

           

Giải pháp đưa hàng Việt về nông thôn

           

Để hàng Việt thật sự khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Sở đang tập trung tham mưu cho tỉnh chỉ đạo rà soát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.

           

Có thể khẳng định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần động viên, khích lệ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trong nước mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng và xây dựng thêm nhiều thương hiệu hàng Việt Nam, chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới