Giữ rừng ở bản Kiểng

Là bản còn nhiều khó khăn, nằm trên địa bàn xã trước đây khá phức tạp về tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép. Song, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, bản Kiểng, xã Mường Do (Phù Yên) luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều năm nay, bản không để xảy ra cháy rừng, phá rừng làm nương và không có tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép...

Cán bộ kiểm lâm địa bàn và bản tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tại các hộ ở bản Kiểng, xã Mường Do. 

Trở lại thời điểm của năm 2010 về trước, khi đó địa bàn huyện Phù Yên nói chung, xã Mường Do nói riêng được nhắc tới khá nhiều bởi tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép. Có những vụ việc được phát hiện với khối lượng gỗ lên tới trăm m3. Có thời điểm, cấp ủy, chính quyền một số cơ sở cũng như lực lượng chức năng gần như bất lực trước tình trạng trên, thậm chí còn tiếp tay cho người phá rừng để trục lợi... Nhưng riêng địa bàn bản Kiểng, trong giai đoạn đó cũng như hiện nay, cấp ủy, chính quyền và nhân dân vẫn luôn giữ được màu xanh cho những cánh rừng của bản, với giá trị lâm sản không hề nhỏ.

Để hiểu rõ hơn vì sao một bản có nhiều giá trị lâm sản, nằm trên địa bàn xã từng nóng về tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép mà vẫn giữ được màu xanh của rừng, chúng tôi đã tìm gặp cấp ủy, chính quyền nơi đây. Tranh thủ lúc chờ làm việc với bản, chúng tôi đã có buổi làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND xã và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Mường Do. Qua trao đổi, được biết: Hiện tại, 17 bản của xã có gần 10.000 ha rừng, trong đó xã được giao quản lý, bảo vệ trên 3.000 ha. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì bản Kiểng là một trong 2 bản của xã làm rất tốt. Trong đó, cấp ủy, chính quyền cũng như các đoàn thể rất quan tâm tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây là cơ sở được đánh giá có nhiều giải pháp hữu hiệu và chỉ đạo quyết liệt để bảo vệ rừng. Rừng ở bản Kiểng được giao cho cộng đồng bản quản lý bảo vệ, không giao cho các hộ. Trong đó, bản còn hợp đồng thêm với Chi hội CCB bản để bảo vệ rừng. Hàng năm, tiền hỗ trợ bảo vệ rừng được bản chi cho hoạt động chung của bản, trong đó, có chi phí hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, có sự vào cuộc của cả hệ thống nên việc giữ rừng ở bản còn thu hút được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đồng chí Hà Văn Thoi, Bí thư chi bộ bản Kiểng, thông tin: Bản có 80 hộ với 353 nhân khẩu, được giao quản lý, bảo vệ 79 ha rừng, trong đó có nhiều loại gỗ quý. Cùng với phát huy vai trò của đội quản lý và bảo vệ rừng, bản còn phát huy hiệu quả vai trò của 32 đảng viên trong bản. Cùng với việc đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước của bản, hàng năm, chi bộ bản còn ra nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ rừng, trong đó phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho từng đảng viên phụ trách theo nhóm hộ. Nếu đảng viên nào để các hộ trong nhóm vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì sẽ trừ vào thi đua và bị nhắc nhở trên hệ thống loa công cộng của bản. Quy định là vậy, nhưng mấy chục năm qua, bản chưa phải áp dụng các quy định để xử lý vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Cũng bởi phong tục tập quán của đồng bào nơi đây là ở nhà sàn, nên cấp ủy, chính quyền bản Kiểng còn có quy định cụ thể trong việc sử dụng gỗ làm nhà của các hộ trong bản. Do đó, nếu trong bản có hộ muốn làm nhà, bản sẽ tổ chức đoàn tới kiểm tra, sau đó họp bản, lấy ý kiến nhân dân nhằm tránh việc lợi dụng làm nhà để khai thác gỗ mang đi bán. Sau đó, hộ làm nhà phải có đơn gửi lên bản, bản gửi lên xã để xin ý kiến cơ quan chuyên môn của huyện. Được sự nhất trí của cấp trên thì hộ đó mới được khai thác gỗ để làm nhà. Trong quá trình làm nhà cũng như việc khai thác gỗ, sẽ có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ bản và cán bộ kiểm lâm địa bàn.

Câu chuyện về quá trình giữ rừng cũng như các giải pháp để giữ rừng ở bản Kiểng còn rất nhiều điều đáng nói nhưng điều quan trọng nhất ở đây chính là sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống trị của bản. Trong đó, vai trò của cán bộ, đảng viên cũng như mỗi người dân trong bản đã được phát huy; mỗi người dân nơi đây đều coi việc giữ rừng cũng quan trọng như việc bảo vệ chính gia đình mình. Câu chuyện giữ rừng nơi đây xứng đáng để cho các cơ sở, địa phương khác trong tỉnh học tập và làm theo.

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới