Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

Quá trình phục hồi kinh tế-xã hội đang diễn ra mạnh mẽ hơn với đà tăng trưởng kinh tế bứt tốc từ quý II/2022. Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng tích cực, nền kinh tế đang phải đối mặt nhiều rủi ro có thể xảy ra cả trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn, đòi hỏi phản ứng chính sách phải kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, quyết liệt và hiệu quả.

Gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Nam tại hội chợ ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Ngọc Sơn).
Gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Nam tại hội chợ ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Ngọc Sơn).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế trong nước đang có điều kiện thuận lợi, sản xuất, kinh doanh phục hồi khá ổn định. Đây là yếu tố rất tích cực để tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, điều hành giá cho những tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

Nhận diện thách thức

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội bảy tháng năm 2022 là xu hướng phục hồi ngày càng được củng cố và phát triển tích cực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; bảo đảm các cân đối lớn, an ninh năng lượng, lương thực. Các tổ chức quốc tế đều đưa ra những con số dự báo lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi ở mức 6,5% và có thể đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6% tại thời điểm ngày 16/5 lên mức 7%,...

Nhưng song hành với triển vọng tích cực, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong nước cũng chỉ ra những điểm hạn chế và khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là nợ xấu ngân hàng ở mức cao, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa lấy lại được quy mô như trước dịch Covid-19, vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá và khả năng thu hút công nghệ cao trong trung và dài hạn.

Đáng lưu ý, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%), hiện 17 bộ, ngành mới giải ngân dưới 10%. Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu như giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, điều chỉnh nhiều lần,... còn có nguyên nhân mới nảy sinh do giá nguyên vật liệu tăng đột biến, khiến nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu giảm hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây tình trạng thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Kiểm soát lạm phát dưới 4%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến lạm phát, lãi suất, tỷ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới như giá cả, nguồn cung xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu vào cuối năm tạo áp lực lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất. Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Nhận định áp lực lạm phát lên những tháng cuối năm là rất lớn nhưng Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ ra những yếu tố giúp kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4%. Trước hết, nhiều dự báo cho thấy giá dầu thế giới hiện đã đạt đỉnh khi tăng 47% so năm 2021, do đó sẽ có xu hướng giảm, làm dịu đi áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, từ đó giảm áp lực chi phí đẩy cho lạm phát trong nước.

Yếu tố quan trọng là Việt Nam vẫn bảo đảm tốt nguồn cung các đầu vào thiết yếu cho nền kinh tế, nhất là lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp điều hành chính sách trong nước đã được thực hiện tốt, như giảm thuế, phí xăng dầu, siết tín dụng chảy vào khu vực phi sản xuất,... góp phần giúp lạm phát sáu tháng đầu năm được duy trì ở mức thấp (2,44%).

Tiến sĩ Cấn Văn Lực kiến nghị trong thời gian tới cần lưu ý trong điều hành cung, cầu và giá các mặt hàng quan trọng như dịch vụ giao thông vận tải, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Đồng thời, tiếp tục xem xét giảm tiếp 30% các loại thuế, phí còn lại đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,41%, tăng trưởng GDP tăng thêm 0,57%. Liên quan thuế xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đã có phương án tiếp tục đề xuất giảm thuế nếu giá dầu thế giới tăng cao hơn mức 100 USD/thùng, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung để tác động giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trọng tâm chính sách điều hành kinh tế-xã hội những tháng cuối năm là tập trung tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất và chi phí sinh hoạt tăng cao. Kịch bản điều hành năm 2022 sẽ hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới