Giới tính có ảnh hưởng tới sự suy yếu kháng thể chống Covid-19 không?

Các kháng thể đạt được sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cao hơn ở phụ nữ và người trẻ so với nam giới và các đối tượng trên 65 tuổi, nhưng cũng nhanh chóng giảm 50% chỉ sau 6 tháng đối với tất cả các đối tượng.

Tác dụng của vắc xin giảm đáng kể sau 6 tháng tiêm

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Y sinh Texas (Mỹ) và Đại học Verona (Italia), mức độ kháng thể sau khi tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech Covid-19 thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Theo đó, lượng kháng thể giảm đáng kể trong vòng nửa năm từ khi tiêm phòng.

Nghiên cứu cho thấy tổng mức kháng thể chống virus SARS-CoV-2 khác nhau giữa các nhóm tuổi cũng như giữa nam và nữ. Cụ thể, những người dưới 65 tuổi có mức kháng thể cao hơn gấp đôi so với những người từ 65 tuổi trở lên trong suốt 6 tháng sau khi tiêm vắc xin. Phụ nữ có lượng kháng thể cao hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ dưới 65 tuổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là, vào thời điểm 6 tháng sau tiêm, mức độ kháng thể đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh của tất cả mọi người tham gia nghiên cứu.

Giới tính có ảnh hưởng tới sự suy yếu kháng thể chống Covid-19 không?
 Mức độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian tiêm vắc xin. Ảnh: Health Line.

Người đứng đầu nghiên cứu, Giáo sư Brandon Henry tại Viện nghiên cứu Y sinh Texas cho biết, mặc dù vắc xin đã giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19 đến mọi người, nhưng mức độ kháng thể đang giảm nhanh chóng ở tất cả các đối tượng không phân biệt tuổi tác hay giới tính. “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng nhắc lại đối với người lớn là rất quan trọng nhằm tăng mức kháng thể cũng như tăng cường phản ứng miễn dịch hiệu quả chống lại sự lây nhiễm Covid-19, nhất là giảm tỷ lệ tử vong”, Giáo sư Henry nhấn mạnh.

Phát hiện này dựa trên một nhóm 787 nhân viên y tế, thuộc độ tuổi từ 21 đến 75, ở Verona, Italia đã được tiêm hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech. Mức độ kháng thể của họ được đo trước khi tiêm vắc xin, sau khi tiêm liều thứ hai, và vào một tháng, ba tháng và sáu tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Kết quả của nghiên cứu này đã được Giáo sư Henry trình bày nghiên cứu tại Hội nghị thường niên lần thứ 9 của Trung tâm Phát triển vắc xin San Antonio (Mỹ) vào ngày 11-11 vừa qua, đồng thời được đăng trên Tạp chí Hóa sinh Y tế của Serbia.

Vì sao phụ nữ có lượng kháng thể cao hơn nam giới?

Giáo sư Henry và cộng sự nêu ra giả thuyết về sự khác biệt đáng kể giữa hai giới tính liên quan đến hormone. Trong đó, hormone testosterone tự nhiên cao hơn ở nam giới đã ức chế hệ thống miễn dịch, trong khi hormone estrogen ở phụ nữ lại có khả năng khuếch đại các phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, một số gene mã hóa cho các protein miễn dịch nằm trên hai nhiễm sắc thể X ở nữ giới sẽ thúc đẩy các hoạt động miễn dịch.

Giới tính có ảnh hưởng tới sự suy yếu kháng thể chống Covid-19 không?
Không chỉ trong thời đại dịch Covid-19, mà nhiều dịch bệnh khác cũng dễ dàng lây nhiễm ở nam giới hơn là nữ giới. Ảnh: Business Wire. 

Theo Giáo sư Henry lý giải, thông thường chỉ có một nhiễm sắc thể X hoạt động và nhiễm sắc thể còn lại hầu như không hoạt động. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các gene liên quan đến miễn dịch vẫn hoạt động trên nhiễm sắc thể X còn lại và giúp tăng cường phản ứng miễn dịch ở phụ nữ.

Những nghiên cứu trước đây cho thấy, nam giới dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng hơn phụ nữ. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch của nam giới không phản ứng mạnh như phụ nữ sau khi tiêm các loại vắc xin như cúm, sởi, viêm gan…

Trước đó, một nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2013 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cũng chỉ ra rằng, sau khi tiêm vắc xin cúm, những người đàn ông có lượng testosterone cao lại có lượng kháng thể bảo vệ thấp hơn so với những người đàn ông có lượng testosterone thấp hơn, cũng như thấp hơn so với phụ nữ. Chính vì vậy, nhìn chung nữ giới có phản ứng kháng thể với vắc xin mạnh hơn nam giới.

Tuy nhiên, phụ nữ dù ở độ tuổi nào vẫn có mức độ kháng thể giảm hơn 50% sau 6 tháng tiêm vắc xin ngừa Covid-19, so với mức cao nhất đạt được vào thời điểm ngay sau khi tiêm phòng.

Mũi tiêm nhắc lại là giải pháp quan trọng

Bên cạnh đó, Giáo sư Henry cũng đưa ra các đánh giá cho thấy các kết quả tương tự về độ tuổi và giới tính. Ông và các đồng nghiệp đã phát triển một phương pháp chuẩn hóa kết quả nghiên cứu về nồng độ kháng thể, bằng cách xem xét tỷ lệ phần trăm thay đổi nồng độ kháng thể, qua 32 nghiên cứu trên hơn 5.000 tình nguyện viên.

Kết quả cho thấy ngày càng có nhiều người lớn tuổi và nam giới phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ đại dịch này. “Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng sự suy yếu của phản ứng miễn dịch chính là một yếu tố góp phần gây ra những hậu quả trên”, ông giải thích.

Giới tính có ảnh hưởng tới sự suy yếu kháng thể chống Covid-19 không?
Nhiều nước bắt đầu thúc đẩy tiêm mũi tăng cường để giúp người dân tăng đề kháng phòng Covid-19. Ảnh: The Lancet. 

Giáo sư Henry nhấn mạnh rằng mức độ kháng thể suy giảm không có nghĩa là vắc xin không có hiệu quả. Các loại kháng thể khác nhau đóng những vai trò khác nhau trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm. Các kháng thể giúp hạn chế bệnh chuyển nặng và tiếp tục có hiệu quả ở hầu hết các nhóm người, ngay cả khi đã bị suy yếu. Đó là lý do tại sao việc tiêm phòng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vì các kháng thể này sẽ tiếp tục suy giảm theo thời gian, các liều tiêm nhắc lại có thể giúp duy trì mức độ kháng thể cần thiết cho mỗi người.

Cuối tuần qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt mũi tiêm nhắc lại cho tất cả người trưởng thành. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến sẽ sớm đưa ra khuyến nghị chính thức về vấn đề này. Trước đây, FDA và CDC đã phê duyệt và khuyến nghị việc tiêm mũi 3 cho một số đối tượng nhất định. Trong khi đó, một số tiểu bang của Mỹ đã tiến hành tiêm nhắc lại cho tất cả người lớn 6 tháng sau khi tiêm chủng.

Theo Báo Quân đội nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới