“Gieo chữ” trên vùng cao Phiêng Cằm

Là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, cơ sở vật chất, trình độ dân trí, phong tục tập quán... còn nhiều hạn chế. Dù vậy, nhiệt huyết, quyết tâm mang con chữ đến với các em nhỏ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo nơi đây chưa bao giờ sút giảm, họ vẫn hàng ngày miệt mài mang ngọn lửa tri thức thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng cao.

Một giờ học của thầy trò điểm Trường Tiểu học Phiêng Mụ, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn).

 

Một ngày giữa tháng 12, chúng tôi cùng 2 thầy giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Phiêng Cằm đến điểm trường Tiểu học Phiêng Mụ. Chặng đường đất chỉ dài 12km, nhưng vắt vẻo qua nhiều sườn đồi, càng trở nên khó khăn hơn vì ngày hôm trước trời mưa, đường trơn trượt, ổ gà, ổ voi, đất đá lởm chởm. Thầy giáo Đào Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Phiêng Cằm, chia sẻ: Ở đây các thầy giáo, cô giáo muốn vào điểm trường hoặc cuối tuần về thăm gia đình, phải có người đi cùng để hỗ trợ nhau, chứ đi một mình vất vả và nguy hiểm lắm. Có đoạn đường chỉ vài km mà mất mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi được.

Vừa tới cổng điểm trường, chúng tôi đã nghe thấy tiếng giảng bài của cô giáo và tiếng đánh vần đồng thanh của các em học sinh. Vừa được xây dựng mới, điểm Trường Tiểu học Phiêng Mụ có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 với 87 học sinh, trong số này gần 50 em ở bán trú. Gặp cô giáo Lò Thị Lả, đã công tác tại xã Phiêng Cằm từ năm 2011 và năm nay được phân công về điểm trường Tiểu học Phiêng Mụ. Cô giáo Lả tâm sự, khó khăn lớn nhất ở đây là duy trì sĩ số lớp học, vào buổi tối, các thầy giáo, cô giáo cùng Ban quản lý bản đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đi học, động viên các em trở lại lớp. Nhiều em dù còn nhỏ tuổi nhưng đến mùa vụ vẫn phải ở nhà giúp bố mẹ; có trường hợp học sinh đưa em đến lớp, vừa trông em, vừa ngồi học...

Cơ sở vật chất cho học sinh bán trú tại điểm trường Tiểu học Phiêng Mụ cũng đang rất thiếu thốn. Căn nhà tạm chia làm 2 gian, mái lợp fibroximăng, từ vách nhà đến giường ngủ đều bằng tre nứa, nhiều chỗ phải chăng thêm tấm bạt; dù còn nhỏ tuổi đã phải xa gia đình, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào thầy cô giáo; hầu hết các em tự mang gạo đi để nấu ăn chung. Thành ra, các thầy cô giáo tại điểm trường Phiêng Mụ không chỉ dạy chữ mà còn phải chăm sóc, hướng dẫn các em từ nấu ăn, tắm giặt, đến ngủ nghỉ, sinh hoạt và quản lý các em mỗi tối. Cuối tháng 8, đầu tháng 9,  mưa lũ làm sạt lở mó nước của điểm trường, vậy là mỗi buổi chiều, thầy cô giáo lại cùng các em ra con suối cạnh điểm trường để lấy nước tắm, giặt...; lại thêm bất đồng ngôn ngữ, các thầy cô giáo phải tự giác học tiếng dân tộc để giao tiếp với các em, tạo mối quan hệ gần gũi với học sinh.

Khi đến điểm trường Tiểu học Phiêng Phụ, chúng tôi được cô giáo Hà Thị Thu Quỳnh, quê ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Lên Phiêng Cằm vẫn còn nhiều đường đất, rất khó đi. Có lần từ quê lên, xe thủng săm, phải dắt bộ, 9 giờ đêm mới tới nơi. Bây giờ, đường lên xã chỉ còn 4 km đường đất. Mỗi năm, tôi về thăm quê 2 lần trong dịp tết và kỳ nghỉ hè. 4 năm gắn bó với mảnh đất này, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi coi đây như quê hương thứ hai. Tôi thương các em học sinh nơi này lắm, dù khó khăn nhưng các em vẫn luôn cố gắng học tập tốt.

Nhờ cố gắng và nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo, tình trạng học sinh không đi học và bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn. Năm học 2017-2018, Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Phiêng Cằm đạt nhiều kết quả tích cực: 98,5% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; 96,2% học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học; 43,5% lớp có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua; 36,7% học sinh được khen thưởng cuối năm...

Bằng sự tận tâm, tận lực của các thầy giáo, cô giáo, chắc chắn ước mơ của học sinh vùng cao Phiêng Cằm sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới