Giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên

Việc thực hiện FTA đã tác động tích cực đến chính trị, đối ngoại, kinh tế, an ninh, quốc phòng và khẳng định được vị trí, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chiều 23/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” làm việc với Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Dự cuộc làm việc có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; các thành viên Đoàn giám sát, một số vị đại biểu Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.

Lợi ích FTA mang lại rõ nét 

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng ta và là một trọng tâm của hội nhập quốc tế; là bộ phận quan trọng xuyên suốt công cuộc đổi mới của nước ta. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh việc đa phương hóa quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA, các FTA thế hệ mới.

Phó Thủ tướng cho biết sau khi gia nhập WTO vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán. Nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Báo cáo về kết quả kinh tế - thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đánh giá, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Do vậy, còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu, nâng cao thị phần tại thị trường các đối tác này.

Trong năm 2019, Việt Nam đã cấp 21.163 C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước thuộc hiệp định với tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu USD. Việc thực thi các cam kết CPTPP đã giúp hoàn thiện khung khổ pháp lý trong nhiều lĩnh vực.

Ngay sau ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020), ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. 

Về kết quả thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, “Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan”. Theo đó, trong 1 tháng kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. 

Theo báo cáo của Tổ giúp việc Đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã tổ chức 3 cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tại các cuộc làm việc, các đại biểu cho rằng, lợi ích mà FTA mang lại rõ nét, như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế… Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt như: Giá trị gia tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là thấp, tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (CO) thấp; áp dụng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu; xử lý tranh chấp trong tương lai; những nội dung về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng trong các FTA.

Về công tác tổ chức, có ý kiến cho rằng hiện còn thiếu đầu mối công tác thực hiện FTA của Chính phủ cũng như đầu mối tại từng bộ, ngành Trung ương. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác cũng cần được cải tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp cũng là vấn đề đặt ra trong thực thi FTA. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, các chỉ số cốt lõi về cạnh tranh như thể chế, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực (đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề) còn thấp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TH. 

Đẩy nhanh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi từ các FTA Việt Nam tham gia

 Giải trình bổ sung báo cáo giám sát chuyên đề tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc quyết định giám sát chuyên đề này hết sức cần thiết và quan trọng.

Việc tham gia các FTA ở nước ta nhận được sự đồng thuận rất lớn của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân. Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước tham gia FTA nhiều nhất trong khu vực và đứng ở hàng cao trên thế giới. Việc tham gia các FTA đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta rất rõ nét. 

“Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát và sẽ có báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề mà Đoàn giám sát đặt ra”, Phó thủ tướng nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhất trí với đánh giá về sự cần thiết và quan trọng của việc lựa chọn chuyên đề giám sát này. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã chuẩn bị báo cáo kịp thời, đầy đủ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc thực hiện FTA đã tác động tích cực đến chính trị, đối ngoại, kinh tế, an ninh, quốc phòng và khẳng định được vị trí, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện các FTA cũng vẫn còn những mặt hạn chế. Chúng ta vẫn chưa lường hết những diễn biến khó lường của kinh tế. Hàng hóa nước ta chủ yếu mới là xuất khẩu thô. Doanh nghiệp Việt Nam còn có những mặt phải rất cố gắng để vươn ra thế giới, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin, thực thi các cam kết trong các FTA. Nhiều lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng nhưng chưa phát huy được…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Đoàn giám sát sẽ báo cáo với Quốc hội, UBTVQH quan tâm chỉ đạo công tác củng cố tổ chức bộ máy nhà nước để quản lý, điều hành hiệu quả, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về các FTA mà Việt Nam tham gia bằng nhiều cách thức. Cần tiếp tục đẩy nhanh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia; chú ý tới rào cản phi thuế quan; quan tâm đến các ngành có chất lượng sản phẩm, có ưu thế, một số thị trường mới. Đoàn giám sát cũng sẽ báo cáo Quốc hội, UBTVQH quan tâm đến việc chỉ đạo đánh giá tác động, dự báo tác động của tình hình mới./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới