Giải pháp thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, cứ 3 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV phải có 1 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Đến tháng 2/2018, toàn tỉnh mới có 245 bể chứa vỏ thuốc BVTV với lượng bao bì thuốc BVTV được thu gom tại các bể khoảng 5,3 tấn. Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị, cơ sở nào xử lý loại rác thải nông nghiệp này theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, hiện nay vỏ bao bì thuốc BVTV đã thu gom chưa được xử lý.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nghiệm thu bể chứa bao,

gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại xã Chiềng Đen (Thành phố).

 

Tỉnh ta hiện có 320.000 ha cây trồng, gồm lúa, ngô, nhãn, vải, xoài, cây ăn quả có múi... Trong quá trình sản xuất, người dân có thói quen vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, môi trường, nguồn nước. 

Hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ mối mọt trong bảo quản nông sản sau thu hoạch. Theo thống kê năm 2017, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 218,6 tấn thuốc BVTV, tương đương 1-2 kg (lít)/ha đất nông nghiệp, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 78,8%. Tương ứng với lượng thuốc BVTV trên, mỗi năm, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường khoảng 10-15 tấn rác thải, trong đó chai nhựa chiếm 50-60%. Sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân đã bỏ lại vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng, ven đường, dưới mương rãnh, ao hồ, các khu vực như bờ sông, suối, khe núi; vỏ bao, gói thuốc theo các đường nước chảy dồn đọng về các kênh mương, hồ chứa nước đầu nguồn gây tắc nghẽn dòng chảy, gây ô nhiễm nguồn nước, thậm chí có nơi người dân còn sử dụng bao bì, vỏ chai thuốc vào các việc trong sinh hoạt gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Trước thực trạng trên, ngày 31/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, trong đó đã cụ thể hóa các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, 100% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom; 100% các tổ, bản, tiểu khu, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, khu vực canh tác nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh có bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, sẽ tiến hành xây 1.300 bể chứa tại các xã có sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, trong năm 2018 sẽ xây dựng bể chứa, khu vực lưu chứa tại Thành phố, huyện Mộc Châu, các hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng, các hợp tác xã đã thực hiện quy trình VietGAP và các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Năm 2019, tiếp tục xây dựng bể chứa tại các huyện Sông Mã, Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu. Năm 2020, xây dựng tại các huyện còn lại. Đồng thời, tổ chức thu gom, đóng gói bao gói thuốc BVTV từ các bể chứa về khu vực lưu chứa 2 lần/năm; vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy các khu vực lưu chứa 2 lần/năm. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý tổ, bản, tiểu khu đưa nội dung thu gom bao gói thuốc BVTV vào hương ước, quy ước của địa phương. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, tránh lạm dụng, làm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn xây bể, thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm đặt bể thu gom bao gói thuốc BVTV, lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 12 tỷ đồng, huy động từ kinh phí sự nghiệp kinh tế môi trường, xây dựng nông thôn mới và các nguồn xã hội hóa.

Để hạn chế, kiểm soát lượng rác thải độc hại này, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng; người dân cũng cần thay đổi thói quen lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, bảo đảm kiểm soát vỏ bao bì thuốc sau sử dụng ra môi trường.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới