Giải pháp phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Ngày 7/12, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội thảo giải pháp phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn bị đứt gẫy bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo giải pháp phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn bị dứt gẫy bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chương trình đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên ngành nông nghiệp của tỉnh Lào Cai và  Sơn La; xây dựng kế hoạch phục hồi, nằm trong khuôn khổ của Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT), được SNV phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La triển khai từ tháng 3 đến tháng 12/2021. Tại tỉnh Sơn La, dự án triển khai ở 5 huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ với phạm vi khảo sát dựa trên 5 chuỗi giá trị gồm: Xoài, nhãn, rau, chè và chăn nuôi lợn.

Tại Hội thảo, đại diện SNV đã trình bày các kết quả của chương trình đánh giá tác động của dịch Covid-19 lên ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chi phí đầu vào, giá thành sản xuất liên tục tăng, trong khi nhiều mặt hàng nông sản làm ra khó tiêu thụ và khó vận chuyển ra ngoài tỉnh dẫn đến giá giảm sâu; một số chuỗi sản xuất bị đứt gẫy ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới. Trong đó, xoài, nhãn là 2 chuỗi giá trị dễ bị tổn thương nhất; tiếp đến là chuỗi giá trị sản xuất rau, chăn nuôi lợn và sản xuất chè… Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, hạn chế về diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của tỉnh; 80% hợp tác xã nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi…

Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp với tỉnh rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại các huyện, thành phố; tiếp tục rà soát, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 cấp sản phẩm: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP); tổ chức cấp mã số vùng trồng, tăng cường quản lý, hướng dẫn, giám sát sản xuất tại các vùng sản xuất nông sản đã được cấp mã số vùng trồng và triển khai có hiệu quả Luật trồng trọt. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc cấp, quản lý mã định danh cho cơ sở chăn nuôi; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghệ bảo quản và chế biến nông sản...

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới