Giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng cây ăn quả

Với gần 83.000 ha cây ăn quả, Sơn La là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Tăng trưởng nhanh về diện tích và sản lượng, tuy nhiên, phát triển cây ăn quả đang đối mặt với nhiều thách thức, cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, liên kết sản xuất vùng cây ăn quả theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững và hiệu quả.

Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh giới thiệu về mô hình liên kết trồng nho hạ đen.

Toàn tỉnh hiện có 399 doanh nghiệp, HTX trồng cây ăn quả, trong đó, có 100 HTX có liên kết sản xuất tiêu thụ với khoảng 22.000 hộ dân trong tỉnh. Ngoài ra, các HTX liên kết với HTX và HTX liên kết sản xuất với các doanh nghiệp qua 3 hình thức cơ bản là liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có 156 chuỗi cung ứng quả an toàn, 1.500 ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 3.865 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh, Thành phố, ngoài liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây tươi, Công ty đang tập trung phát triển và mở rộng mô hình trồng nho hạ đen và nho sữa để cung cấp cho thị trường nội địa. Ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Phát triển mô hình trồng nho, Công ty đã liên kết sản xuất với 2 HTX trong tỉnh cung ứng giống, vật tư đầu vào và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất để HTX, các thành viên liên kết ứng dụng sản xuất trên chính đất nông nghiệp của gia đình. Hình thức này đã đem lại hiệu quả kinh tế, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, HTX và hộ thành viên. 

Còn HTX Phương Nam, bản Pha Cũng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu có 10 thành viên HTX và 30 thành viên liên kết sản xuất hơn 100 ha cây ăn quả các loại, chủ lực là nhãn chín muộn, xoài da xanh và chuối tiêu hồng. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX, chia sẻ: Tham gia liên kết sản xuất với HTX, chúng tôi hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Năm 2021, HTX đã thu mua, tiêu thụ khoảng 4.000 tấn quả tươi các loại, tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng. Khi liên kết sản xuất, điều chúng tôi lo ngại là làm thế nào để duy trì, kiểm soát chất lượng sản phẩm; tuy nhiên, cơ bản các hộ đều có kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật, sản xuất đảm bảo quy trình, chất lượng sản phẩm.

Năm 2021 tổng sản lượng hoa quả tươi xuất khẩu đạt gần 23.500 tấn, bằng 10% tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh. Do đó, tỉnh đã có những chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ xây dựng lò sấy long nhãn, quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng chế biến sâu. Hiện, toàn tỉnh đã có 3.000 lò sấy long nhãn, 6 cơ sở chế biến quả, 3 nhà máy chế biến rau, quả quy mô công nghiệp giải quyết một phần sản lượng tiêu thụ quả tươi. Các cơ sở, nhà máy chế biến này đã có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu.

Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hiện đã ký kết hợp đồng với 21 HTX trồng 264 ha dứa nguyên liệu tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, liên kết sản xuất với các HTX, doanh nghiệp sản xuất ngô ngọt, đậu tương rau và chanh leo. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Doveco Sơn La, cho biết: Công ty đã cung ứng trước giống, vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thức vật; phối hợp với HTX khảo sát quy hoạch vùng trồng; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ đồng hành cùng các hộ trong suốt quá trình sản xuất đảm bảo đúng quy trình, chất lượng khi thu hoạch; hợp đồng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo giá thị trường từng thời điểm.

Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn cũng gặp những thách thức, khó khăn khi địa hình ở miền núi phía Bắc chia cắt, chủ yếu đồi núi nên không thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo diện tích, quy mô sản xuất tập trung khó khăn; hạ tầng giao thông đến các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không thuận lợi cho việc tập kết, thu mua sản phẩm.

Giới thiệu mô hình trồng nhãn chín muộn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung, Mai Sơn.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Để củng cố, xây dựng và phát triển bền chặt các mối liên kết, Đề án "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” sẽ hỗ trợ tỉnh Sơn La xây dựng gần 12.000 ha vùng nguyên liệu cây ăn quả đến năm 2025. Trung tâm sẽ phối hợp với địa phương làm tốt công tác công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển mối liên kết bền vững vùng nguyên liệu cây ăn quả; hỗ trợ phát triển nông nghiệp vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; hỗ trợ giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm; xây dựng các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân. Đến nay, Đề án đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn cho tổ khuyến nông cộng đồng; tổ chức diễn đàn thảo luận đề xuất những giải pháp phát triển mối liên kết bền vững vùng cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.  

Liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây tươi là xu hướng tất yếu, giúp chuyển đổi dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất đều đóng vai trò là mắt xích quan trọng để đảm bảo mối liên kết vận hành hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới