Giải pháp góp phần bình ổn giá thịt lợn

Mặc dù giá thịt lợn tăng cao, nhưng 10h48p ngày 14/10/2019, các quầy thịt lợn tại chợ Rặng Tếch cũng vẫn hết hàng.

Mặc dù giá thịt lợn tăng cao, nhưng 10h48p ngày 14/10/2019,

các quầy thịt lợn tại chợ Rặng Tếch cũng vẫn hết hàng.

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo ghi nhận trên địa bàn Thành phố, trước khi có dịch bệnh, giá thịt lợn hơi trên thị trường thời điểm cao nhất cũng chỉ ở mức 53 nghìn đồng/kg, nhưng vào thời điểm này, giá thịt lợn hơi tăng vọt lên mức 57-60 nghìn đồng/kg, riêng loại lợn không nuôi bằng thức ăn công nghiệp có giá 70 nghìn đồng/kg.

Qua khảo sát giá bán lẻ thịt lợn tại một số chợ trên địa bàn Thành phố, những ngày gần đây, giá đã tăng nhiều so với thời điểm trước. Giá thịt lợn thăn, thịt lợn nạc vai có giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg tùy nguồn gốc thịt lợn; ba chỉ, sườn ngon 150.000 đồng/kg; so với 1 tháng trước, giá tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Cùng với lợn thương phẩm, giá lợn giống cũng đang ở mức 1 triệu đồng/con, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 tháng.

Bà Trần Thị Nga, kinh doanh thịt lợn hơn 10 năm nay tại chợ Rặng Tếch (Thành phố) cho hay: Thời điểm mới phát hiện dịch tả lợn châu Phi, có lúc 2 hộ kinh doanh phải lấy chung 1 con lợn từ lò mổ rồi chia đôi để bán mà vẫn ế; còn bây giờ trung bình mỗi ngày tôi bán hơn 1 tạ thịt lợn. Giá thịt lợn tăng mạnh, nguồn thịt lợn hơi đang khan hiếm. Còn chị Hoàng Thị Tươi, người dân bản Lầu, phường Chiềng Lề chuyên chế biến thịt khô nói: Tháng trước, mỗi ngày tôi mua trên 1 tạ thịt mông làm hàng; có lúc tiểu thương còn chở đến tận nhà. Giờ thì khác, tôi phải ra tận chợ mua gom cũng chỉ được khoảng 60 kg mỗi phiên. Cứ tình trạng khan thịt lợn như hiện nay, từ giờ đến Tết giá thịt lợn sẽ còn tăng hơn.

Được biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn tăng mạnh là bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, một số lượng lớn lợn phải tiêu hủy. Không ít hộ, chủ trang trại chăn nuôi vì lo lắng nên bán tháo đàn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và hệ thống truyền thông, người tiêu dùng đã hiểu rõ hơn về bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ lây bệnh cho lợn, chứ không lây sang người, nên người tiêu dùng đã không còn quay lưng với thịt lợn; chủ các quầy thịt tại các chợ cũng đã ý thức cao khi lựa chọn thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có kiểm dịch của các ngành chức năng để bán cho người dân.

Để góp phần bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp chuẩn bị phục hồi phát triển chăn nuôi lợn với quy mô hợp lý; tăng cường giúp người dân phòng bệnh cho đàn vật nuôi và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, theo quy trình VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Các địa phương tập trung ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; thực hiện các biện pháp, khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông các loại gia súc gia cầm đã được kiểm dịch, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tăng giá. Đồng thời, người chăn nuôi cũng cần áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tăng đề kháng, theo dõi sức khỏe gia súc, tránh để dịch bệnh bùng phát trở lại. Một số hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi, thời điểm này có thể tạm thời chuyển sang chăn nuôi một số vật nuôi khác với các loại giống như: Gà, vịt, thỏ, dê... để có thể  cung cấp lượng thực phẩm thiếu hụt cho thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần vào cuộc thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về nguồn cung, giá cả các mặt hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt lợn, không để xảy ra việc tăng giá do yếu tố tâm lý, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới