Giải ngân vốn đầu tư công chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Công tác giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) ở các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đó, năm 2020 lại là năm cuối cùng của giai đoạn Kế hoạch vốn ĐTC trung hạn 2016-2020 nên khối lượng công việc dồn lại vô cùng lớn.

Tính đến hết ngày 24/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn ĐTC là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% dự toán được giao cho năm 2020 (Ảnh: M.P)

Giải ngân vốn vay nước ngoài quá chậm

Bộ Tài chính khẳng định luôn đủ vốn cấp cho các dự án ĐTC, vấn đề còn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực ĐTC trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC nguồn vay nước ngoài năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, dự toán vốn nước ngoài giao cho các bộ, ngành Trung ương năm 2020 là 18.216 tỷ đồng và dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 24/6, số liệu giải ngân kế hoạch vốn ĐTC là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so dự toán được giao. Trong số đó, có ba bộ giải ngân hơn 20% so kế hoạch được giao gồm: Bộ Giao thông vận tải (29%), Bộ Quốc phòng (27,6%), Bộ Y tế (27,3%); một bộ chưa giải ngân phần vốn cấp phát ĐTC là Bộ Công thương, với dự toán được giao là 138 tỷ đồng. Giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỷ đồng (11,98%). Đáng chú ý, có tới 10 địa phương chưa giải ngân được vốn ĐTC nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Theo ông Trương Hùng Long, các bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án phản ánh, hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách như thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định tại Nghị định 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chi phí đầu tư xây dựng công trình; hay như cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Nhiều sự thay đổi về cơ chế, chính sách dẫn đến việc các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai. Hiện nay, còn có nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn. Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng trên tổng số 3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ này để chuyển cho các bộ, địa phương khác. Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng trên tổng số 400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do dự án không thể giải ngân theo kế hoạch.

Thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... Từ đó, kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như: Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vay JICA, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA…

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ giải ngân của thành phố hiện mới đạt 4,13%. Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do TP Hồ Chí Minh đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án. Dự kiến đến hết tháng 7-2020, khi các kiến nghị được giải quyết thì TP Hồ Chí Minh sẽ giải ngân vốn nước ngoài vay lại được khoảng 7.630 tỷ đồng, đạt 53,76% so kế hoạch và tiếp tục có đà phấn đấu đạt mức cao nhất hoàn thành chỉ tiêu giải ngân năm 2020.

Tại Hà Nội, tình hình giải ngân vốn có khá hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao. Có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA như Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo còn vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, chưa thực hiện xong. Đối với dự án Tuyến đường sắt thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 - hệ thống thẻ vé do chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu euro với Chính phủ Pháp nên chưa ký được hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và TP Hà Nội.

Cần phối hợp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Năm 2020 có thể coi là năm của ĐTC. Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư đã được giao và Chính phủ, Thủ tướng cũng như các Phó Thủ tướng cũng liên tục chỉ đạo và đôn đốc. Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC. Riêng Bộ Tài chính trong quý I/2020 đã gửi năm văn bản đôn đốc các bộ, ngành và địa phương sớm phân bổ và nhập hệ thống thông tin quản lý ngân sách (Tabmis) số dự toán được giao để có cơ sở thanh toán vốn; đồng thời cũng đã rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị quyết, chỉ thị về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục gửi hai công văn đôn đốc chủ dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương báo cáo số kế hoạch vốn phân khai và nhập Tabmis, số giải ngân và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn. Thậm chí, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương có dự án sử dụng vốn ODA với quy mô vốn lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Để thúc đẩy giải ngân ĐTC và vốn vay nước ngoài, vốn ODA, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án ĐTC. Đồng thời, xúc tiến việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định .

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2020, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 1797/QĐ-UBND về quy trình quản lý kế hoạch vốn ĐTC hằng năm. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020. Thậm chí, còn đưa ra chỉ tiêu giải ngân cho người đứng đầu cơ quan chủ quản chủ đầu tư, cụ thể đến ngày 30-6-2020 giải ngân đạt từ 50%; đến ngày 31-7 giải ngân đạt từ 60% - 70%; đến ngày 15-10 giải ngân đạt từ 80%. 

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định, năm 2020, Bộ Tài chính coi công tác giải ngân vốn ĐTC trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Song, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, nếu các bộ, ngành, địa phương và chủ dự án không có giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020. 

Theo ông Trần Xuân Hà, nhiệm vụ giải ngân vốn ĐTC nói chung, vốn nước ngoài nói riêng từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề vì khối lượng còn lại rất lớn. Năm 2020 lại là năm cuối cùng của giai đoạn Kế hoạch vốn ĐTC trung hạn 2016-2020 nên khối lượng công việc dồn lại vô cùng lớn. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và các địa phương cần đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu gặp vướng mắc, cần sớm có kiến nghị để Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ tìm cách giải quyết trong thời gian nhanh nhất, vì đây là một trong những giải pháp quan trọng gỡ khó cho nền kinh tế./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới