Gia tăng tình trạng tảo hôn ở Xím Vàng

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi có chuyến công tác về xã vùng cao Xím Vàng (Bắc Yên) để tìm hiểu về một thực trạng đang khiến cấp ủy, chính quyền nơi đây hết sức lo lắng, trăn trở, đó là mới chỉ hơn 2 tháng đầu năm nay, xã đã có 11 cặp tảo hôn, tăng gấp 5 lần so với cả năm 2019.

 

 

Ngôi nhà của gia đình em S.A.N (bản Xím Vàng, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên).

 

Xím Vàng có trên 400 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Theo lãnh đạo xã, những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã đã tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về hệ lụy của tảo hôn. Song, hơn 2 tháng đầu năm nay, số cặp tảo hôn tăng đột biến, chủ yếu ở độ tuổi 15-16 và là con trong các gia đình thuộc diện hộ nghèo. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, các cặp tảo hôn đều sống cùng bố mẹ, việc đó làm tăng thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

 

Băn khoăn, lo lắng của người đảm nhiệm công tác chuyên trách dân số của xã, anh Mùa A Chù nói: Trong thời gian này, tôi tăng cường về các bản có số cặp tảo hôn cao để tìm hiểu nguyên nhân, kết hợp với tuyên truyền cho bà con hiểu về tác hại của việc tảo hôn. Song, hiện nay đang là thời gian chuẩn bị cho vụ sản xuất chính trong năm, nên hầu hết người dân đều lên nương hoặc ra đồng ruộng. Việc tuyên truyền phải đợi đến chiều tối muộn khi bà con trở về nhà hoặc tranh thủ thời gian người dân nghỉ trưa tại nương, ruộng để nói chuyện.

 

Chúng tôi cùng anh Chù đến một số gia đình có con tảo hôn, điểm dừng chân đầu tiên là gia đình em S.A.N, bản Xím Vàng, em vừa cưới vợ đầu năm 2020 khi mới 16 tuổi. Quan sát gia cảnh của gia đình, nhận thấy đây là hộ nghèo, một ngôi nhà tềnh toàng chỉ rộng khoảng 40 m2 nhưng có tới  8 người cùng chung sống. Trong ngôi nhà, ngoài vài chục bao thóc và 3 chiếc giường ngủ thì không còn tài sản giá trị nào. S.A.N cho biết: Bố mẹ em đang đi làm thuê ở xã Song Pe, thường thì cuối tuần mới về, ở nhà có vợ chồng em, vợ chồng anh trai và 2 em nhỏ đang học ở Trường Tiểu học Xím Vàng. Khi được hỏi đến việc lấy vợ, N. kể: Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trong một lần theo bạn bè đi chơi ở bản Pá Ổng (cùng xã Xím Vàng), em đã gặp M.T.C (15 tuổi), thấy thích nên về bảo bố mẹ cho cưới C. về làm vợ. 2 vợ chồng em đã bỏ học từ trước khi lấy nhau, giờ chỉ ở nhà giúp việc nhà cho bố mẹ. Sau khi kết hôn, cuộc sống của hai vợ chồng em chủ yếu phụ thuộc vào bố mẹ.

 

Rời nhà N. chúng tôi tới nhà của em S.C.K. Khác với S.A.N, K. hiện vẫn đang đi học tại Trường THPT Bắc Yên, còn M. vợ của K. đã nghỉ học từ năm 10 tuổi. Gia đình K. đang có 3 thế hệ cùng chung sống, trong đợt nghỉ Tết kéo dài năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, K. gặp M. ở xã Làng Chếu, thấy “ưng mắt” nên xin bố mẹ cho cưới M. làm vợ. Nói với chúng tôi về việc kết hôn sớm, K. ngại ngùng: Trong lần đi chơi Tết với các bạn, em gặp M. và thấy “hợp nhau”, nên chúng em về xin phép bố mẹ cho làm đám cưới, nhà nghèo lại có thêm miệng ăn nên cũng vất vả hơn trước.

 

Tại các gia đình đến thăm, sau mỗi câu chuyện của “gia chủ”, anh Mùa A Chù đều tuyên truyền, phân tích sâu sắc về những tác hại của việc tảo hôn; chỉ ra cho các em thấy, việc tảo hôn là vi phạm pháp luật. Tác hại trước mắt của tảo hôn là thất học sẽ càng làm cho cuộc sống thêm nghèo khó, còn trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số... Anh Chù còn nói với các gia đình: Những cháu bé còn lại của gia đình nhất định không được lấy vợ, lấy chồng khi còn trong độ tuổi thiếu niên, mà cần phải cho đến trường học chữ, để cuộc sống sau này tốt hơn.

 

Nói về nguyên nhân chính của việc tảo hôn tăng đột biến trong hơn 2 tháng đầu năm, ông Mùa A Khay, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hủ tục lấy vợ, lấy chồng sớm vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân nơi đây. Bên cạnh đó, một số ông bố, bà mẹ mải đi làm ăn xa không thực sự quan tâm đến con em mình, trong khi các cháu còn chưa đủ khả năng để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Trước thực trạng này, UBND xã đã đề nghị với các nhà trường trên địa bàn tăng thời gian hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn cho học sinh. Ngoài ra, chỉ đạo ban quản lý các bản tiếp tục lồng ghép tuyên truyền về tác hại của tảo hôn trong các cuộc họp bản; đưa nội dung này vào hương ước, quy ước bản để người dân cùng thực hiện.

 

Để giảm ngay tình trạng tảo hôn đang diễn ra trên địa bàn xã Xím Vàng, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà còn phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm về tảo hôn, phải kiên quyết xử lý theo pháp luật, kiên quyết nói không với tảo hôn để góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới