“Dùng làn đi chợ” vì môi trường xanh

Phát huy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần chung tay xây dựng thành phố Sơn La văn minh, hiện đại, bình yên, các cấp hội phụ nữ của Thành phố đã có nhiều cách làm ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến mô hình “Dùng làn đi chợ” của phụ nữ phường Tô Hiệu đã tạo sự lan tỏa trong cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, qua đó, từng bước hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tổ dân phố 2 ra mắt mô hình “Dùng làn đi chợ”.

Bà Phùng Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN phường Tô Hiệu, cho biết: Việc sử dụng túi nilon hiện nay rất phổ biến, mỗi ngày, một người đi chợ sẽ sử dụng trung bình từ 8-10 túi nilon, đây một lượng rác khổng lồ, khó phân hủy sẽ thải ra môi trường. Thói quen này đã vô tình gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sống của chúng ta. Bởi vậy, việc giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon là một việc làm hết sức cần thiết. Năm 2018, Hội đã triển khai mô hình điểm “Dùng làn đi chợ” tại Chi hội phụ nữ tổ 6 với hơn 20 hội viên tham gia, khuyến khích mọi người sử dụng các loại túi, giấy báo dễ phân hủy, thân thiện với môi trường... Qua 4 năm, mô hình “Dùng làn đi chợ” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong toàn thể hội viên và người dân trên địa bàn phường, dần thay đổi nhận thức, hạn chế dùng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày.

Đã nhiều năm nay, chiếc làn nhựa đã trở thành người bạn đồng hành của bà Nguyễn Thị Bê, tổ 5 phường Tô Hiệu, mỗi khi đi chợ. Bà Bê chia sẻ: Trước đây, tôi có thói quen đựng thực phẩm trong túi nilon mỗi khi đi chợ. Nhưng từ khi được hội phụ nữ các cấp vận động dùng làn đi chợ và tuyên truyền về tác hại của túi nilon với sức khỏe và môi trường, tôi đã chuyển sang dùng làn để đi chợ hằng ngày. Lúc đầu cũng bất tiện vì đi hay quên túi giấy hoặc làn nhựa, phải quay về lấy nhưng bây giờ thì thành thói quen. Ra đến chợ, thấy mọi người cũng dùng làn để đi chợ như mình, tôi thấy việc làm này có ý nghĩa. 

Mỗi lần đi chợ, thay vì lấy túi nilon đựng thực phẩm, bà Phạm Thị Mai Hương, đều cẩn thận xếp rau, củ, quả vào chiếc làn mang theo bên mình. Bà Hương chia sẻ: Trước đây, mỗi lần đi chợ về nhà tôi có thêm ít nhất 5 túi nilon đủ kích cỡ, hôm nào có khách thì trên 10 chiếc. Bây giờ, lượng túi nilon cũng giảm và có ngày tôi không phải sử dụng đến bất cứ loại túi nilon nào, túi đựng rác tôi cũng chọn loại có thành phần sinh học, thân thiện với môi trường. Tôi rất vui khi góp một hành động nhỏ nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường xung quanh.

Không chỉ riêng bà Bê, bà Hương mà nhiều hội viên trong phường cũng thay đổi dần thói quen, thực hiện theo cách làm này, từ đó hạn chế đáng kể chất thải nhựa và túi nilon ra môi trường. Vừa ra mắt mô hình “Dùng làn đi chợ” của Chi hội phụ nữ tổ 7, bà Lò Thị Hạnh, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ 7, phấn khởi: Ban đầu, khi mới triển khai chúng tôi cũng gặp phải khó khăn là làm sao để thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của mọi người. Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi đã tuyên truyền lồng ghép, phân tích, chia sẻ cho hội viên hiểu tác hại của rác thải nhựa tới sức khỏe, môi trường. Cùng với đó, trích quỹ hội mua làn nhựa tặng cho chị em. Bên cạnh đó, Chi hội vận động chị em bán hàng ở chợ chuyển từ việc dùng túi nilon đựng hàng cho khách thay bằng túi giấy, bó rau bằng lá chuối, lá dong...

Từ việc tích cực tuyên truyền, vận động mua làn nhựa cho hội viên hiện sự vào cuộc của phụ nữ phường Tô Hiệu trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đến nay, đã có 9/9 chi hội phụ nữ, với 1.137 hội viên trong toàn phường thực hiện. Mô hình thu hút đông đảo chị em tham gia đã tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trong cán bộ hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Đồng thời, là hình thức tuyên truyền thực tế, hữu hiệu và cần được nhân rộng, góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới