Đưa nét văn hóa dân tộc vào trò chơi dân gian

“Bộ đồ chơi chuyền dân gian” của nhóm tác giả Đinh Tùng Lâm và Quàng Thị Phương Lan, học sinh lớp 2, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo, huyện Sốp Cộp tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ 5 đã để lại ấn tượng rất riêng của sự sáng tạo đưa nét đặc sắc văn hóa các dân tộc vào bộ đồ chơi. Sản phẩm được làm hoàn toàn từ những thanh gỗ phế phẩm, những sợi vải đã qua sử dụng rất thân thiện với môi trường.

 

Em Đinh Tùng Lâm và Quàng Thị Phương Lan vẽ các họa tiết lên sản phẩm.

 

Chúng tôi đến Trường PTDTBT tiểu học và THCS Mường Lèo để tìm hiểu về “chủ nhân” của sản phẩm này. Thầy giáo Hà Văn Tâm, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Học sinh ở đây đều là dân tộc thiểu số, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, nhưng các em rất đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. Mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo để chọn ý tưởng xuất sắc nhất áp dụng vào thực tế và đi dự thi.

Trò chuyện với em Đinh Tùng Lâm và Quàng Thị Phương Lan về ý tưởng sáng tạo của mình, cả 2 em đều chung một sở thích các trò chơi dân gian, như chơi chuyền, bịt mắt bắt dê, nên đã ấp ủ sáng tạo ra sản phẩm vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo sự thích thú, gắn kết các bạn trong lớp mỗi khi tham gia trò chơi dân gian.

Em Quàng Thị Phương Lan, chia sẻ: Em thường nghe bố mẹ kể, ngày xưa chơi chuyền chỉ cần bẻ vài cái que, hái quả cà hoặc quả chanh là có thể chơi được. Trò chơi này vừa rèn luyện sự dẻo dai, nhanh tay, nhanh mắt, chơi rất vui, nên em có ý tưởng tận dụng các vật liệu bỏ đi, sẵn có từ các các xưởng mộc, mảnh vải vụn xin từ các cửa hiệu may đo để tạo ra các sản phẩm bộ đồ chơi chuyền dân gian. Khi mới làm, bộ chơi chuyền lại ít được các bạn học sinh khác để ý tới. Vì thế, em và bạn Lâm đã có ý tưởng vẽ lên bộ đồ chơi những nét văn hóa dân tộc và được thầy Tâm ủng hộ. Thầy đã tìm trên các sách, báo, internet các nét văn hóa của dân tộc Thái, Mông, như: khăn piêu, áo cóm, hoa văn của trang phục dân tộc Mông để chúng em làm mẫu và vẽ lên sản phẩm nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút đông các bạn vừa học, vừa chơi.

Bộ đồ chơi chuyền dân gian của các em gồm 10 que gỗ dài khoảng 20 cm, được vót tròn nhẵn nhụi. Quả chuyền được các em làm từ các mảnh vải vụn rồi khâu thành hình cầu, nhét vải vụn thừa vào trong. Khi đã hoàn thiện, các em sẽ dùng các loại màu vẽ không hại cho sức khoẻ để trang trí lên que và quả chuyền theo chủ đề, rồi sơn một lớp sơn bóng lên để màu vẽ không bị phai. Chi phí để làm ra một bộ đồ chơi chuyền hoàn thiện khoảng 20.000 đồng.

Em Lò Thị Nhã Phương, học sinh lớp 3A, nói: Mới đầu khi thấy các bạn làm sản phẩm, em thấy rất đẹp và tò mò. Được các bạn hướng dẫn cách chơi, trong khi chơi lại được tìm hiểu về các hoa văn về dân tộc Thái em thường thấy hằng ngày ở gia đình nhưng chưa hiểu được hết ý nghĩa. Ví dụ như áo cóm của dân tộc Thái trắng có cổ áo hình chữ V, còn của người Thái đen là cổ tròn hoặc đứng, dân tộc Thái đen thì hay đội khăn Piêu...

“Bộ đồ chơi chuyền dân gian” của các em Đinh Tùng Lâm và Quàng Thị Phương Lan được Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ 5, năm 2021 đánh giá đạt loại xuất sắc thuộc lĩnh vực các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em. Sản phẩm của các em là 1 trong 10 sản phẩm được chọn tham gia dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới