Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc... là lợi thế quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Huyện Mộc Châu đã và đang xây dựng những bước đi, lộ trình cụ thể để du khách đến với cao nguyên Mộc Châu được trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên theo cách chân thực nhất, những người làm du lịch cộng đồng nơi đây cũng ngày một nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

 

Khu du lịch sinh thái Arena, một trong nhiều điểm đến hấp dẫn du khách ở Mộc Châu.  

Ảnh: PV

 

Trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên

 

Sáng sớm ở bản Vặt, xã Mường Sang, chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng chim gù dưới sàn, tiếng hót lanh lảnh của những con họa mi ở mấy ngôi nhà đối diện homstay mà chúng tôi đang thuê nghỉ. Anh Hà Văn Trọng, Trưởng bản Vặt gọi tôi và ông Hoàng Ngọc Bích, chủ nhà nghỉ homestay đi trải nghiệm đánh cá ở suối Tá Văng Hay. Câu chuyện tối hôm trước bên bếp lửa về những con cá pa mý, pá môn (hiếm như cá dầm xanh) được bắt ở gần thác của suối Tá Văng Hay đã thôi thúc chúng tôi sớm lên đường.

 

“Tá Văng Hay”, tiếng Thái có nghĩa là “Suối nước đẹp”. Tương truyền trước kia, những nhà sư ở Chùa Vặt Hồng thường lấy nước ở Tát Văng Hay để làm lễ cúng “xin nước - cầu mưa” và lễ “rửa tượng - tắm tượng”. Con suối nằm gần bản nên chúng tôi chỉ đi bộ vài trăm mét đã nghe tiếng thác đổ ào ào, dòng nước suối trong vắt, mát lạnh dường như trong chúng tôi đều gác lại những bộn bề của công việc, cuộc sống đô thị để hòa mình cùng cảnh đẹp của thiên nhiên, đất trời. Tôi đi men theo các tảng đá phủ kín rêu phong để ngược lên thác; còn ông Bích và anh Trọng lúc bơi, lúc lội nhưng cứ ngược dòng suối để quăng chài, xúc cá. Anh Trọng bảo nếu đi ngược dòng suối khoảng hơn 4 km sẽ ra đến bản Áng, xã Đông Sang, còn đi xuôi dòng Tát Văng Hay thì lại dẫn đến thác Dải Yếm. Ngoài đón những khách du lịch đi trải nghiệm đánh cá, tắm suối, Tát Văng Hay còn cung cấp nước tưới cho hơn 22 ha ruộng nước của bản Vặt. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, anh Trọng và ông Bình đã bắt được gần 2 kg cá pa mý, pá môn mang về nướng, chấm muối ớt đãi tôi và mấy du khách.

 

Sau bữa sáng ở bản Vặt, chúng tôi tiếp tục hành trình bằng xe máy qua những bản làng trên thảo nguyên Mộc Châu để trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Điểm đến của chúng tôi là bản Dọi 1, xã Tân Lập (cách trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu hơn 30km) với những cung đường uốn lượn qua những đồi chè, đồi mận, những vườn chanh leo, su su trải dài tít tắp trên những sườn đồi. Bản Dọi 1 vẫn giữ được những nét đặc trưng của người dân tộc Thái đen với những mái nhà sàn cổ. Ở bản hiện đang có 6 hộ làm homestay, nhưng rộng rãi nhất là khu homestay của gia đình ông Hà Văn Quyết với khuôn viên rộng hơn 2.000m², riêng ngôi nhà sàn 8 gian, diện tích khoảng 130 m², có thể phục vụ khoảng 20 khách du lịch mỗi ngày. Ấn tượng với chúng tôi là sự chuyên nghiệp, từ cách bài trí đón tiếp khách du lịch với cổng chào, những hàng bờ rào được xếp gỗ tròn bên những vườn hoa, vườn mận tươi tốt... tạo nên cảm giác yên bình. Chị Hoàng Bích Ngọc, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình tỏ ra rất thích thú với những trải nghiệm tại bản Dọi 1, chị cho biết: Một ngày ở bản Dọi, phụ nữ thì được tham gia nấu những món ăn dân tộc Thái với nguyên liệu có sẵn trong vườn; những người khác thì trải nghiệm các sinh hoạt đời thường cùng người dân, như: lên rừng hái lá thuốc, leo núi; xuống suối bắt cá... Chúng tôi rất ấn tượng và thú vị với những trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc Tây Bắc. Ông Hà Văn Quyết, chủ homstay chia sẻ: 6 hộ gia đình trong bản kinh doanh dịch vụ homstay được huyện hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà, nhưng vẫn giữ nét truyền thống của nhà sàn dân tộc Thái; hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, trồng hoa, làm tường rào, cải tạo khuôn viên xung quanh nhà. Đặc biệt, chúng tôi còn được đi tham quan, học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nên cách thức làm du lịch dần chuyên nghiệp, nhưng vẫn luôn giữ được nét truyền thống văn hóa của dân tộc.

 

 

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm với người dân bản Áng, xã Đông Sang.

 

Giúp người dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp

 

Trong đầu tư phát triển các bản du lịch cộng đồng trước năm 2019, Mộc Châu tập trung đầu tư xây dựng bản du lịch cộng đồng tại bản Áng (xã Đông Sang). Từ năm 2019, huyện xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại bản Dọi 1 (xã Tân Lập); bản Vặt (xã Mường Sang); bản Tà Số (xã Chiềng Hắc). Huyện cũng phối hợp với dự án GREAT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nhuộm, hấp vải thổ cẩm cho các hộ gia đình kinh doanh homestay, đối tượng là chị em phụ nữ các gia đình có homestay, các tổ hợp tác, HTX làm du lịch muốn phát triển trải nghiệm workshop du lịch. Thoăn thoắt con thoi trên khung cửi dệt vải, bà Hoàng Thị Yên, một chủ homestay ở bản Vặt, chia sẻ:  Dự án đã tác động đến người dân chúng tôi trong việc xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chúng tôi đã có thêm nhiều kỹ năng làm du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng phục vụ khách du lịch...

 

Quan điểm xuyên suốt của huyện Mộc Châu và những hộ làm homestay ở đây là phấn đấu khi du khách đến Mộc Châu sẽ được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thông qua việc cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt tại những nếp nhà sàn truyền thống của người dân. Do đó, các hometay vẫn giữ nguyên nét truyền thống nhưng lại được trang bị đầy đủ các tiện nghi, đảm bảo cho du khách có một chuyến du ngoạn, nghỉ ngơi an toàn, hấp dẫn. Du khách được trải nghiệm ẩm thực đánh thức vị giác nhờ vào những nguyên liệu chế biến nổi tiếng của người dân địa phương như mắc khén, hạt dổi, măng rừng, mật ong rừng và các món ăn dân tộc độc đáo như pa pỉnh tộp, thắng cố, pa pính, nậm pịa... không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được người dân nơi đây sẵn lòng chia sẻ những bí quyết nấu các món ăn dân tộc. Và khi màn đêm buông xuống, du khách lại được hòa mình vào trong không gian âm nhạc truyền thống với tiếng khèn, tiếng sạp rộn ràng theo nhịp; được trải nghiệm những đêm giao lưu văn nghệ, ngồi nhâm nhi chén rượu, thưởng thức bắp ngô nướng giữa khu cảnh thiên nhiên thoáng đãng, mát mẻ.

 

Cùng với triển khai các dự án du lịch, Mộc Châu còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, kết hợp giữa phát triển sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch và dịch vụ, như: Xây dựng mô hình thăm quan bò sữa, đồi chè; khuyến khích người nông dân trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, trồng đào, mận; khuyến khích cơ sở kinh tế xây dựng các mô hình mẫu cho phát triển du lịch, như: mô hình tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây hoa cảnh, cây hoa màu...

 

Bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của địa phương, như: sản phẩm chè, sản phẩm sữa; các loại quả mận, bơ, hồng giòn...; hình thành 10 khu vườn cây ăn quả mẫu cho các loại quả đặc trưng ở Mộc Châu, gồm: Vườn mận hậu, vườn bơ, vườn hồng giòn; mô hình sản xuất rau, hoa chất lượng cao. Quan tâm kết hợp các sản phẩm nông nghiệp gắn liền với phát triển du lịch Mộc Châu như 13 sản phẩm chế biến từ chè; 13 sản phẩm chế biến từ sữa; 12 sản phẩm quà tặng nông nghiệp; 16 sản phẩm quà tặng ẩm thực, gia vị; 7 sản phẩm quà tặng thủ công, mỹ nghệ...

 

Trải nghiệm đánh cá ở suối Tá Văng Hay. 

 

Để Mộc Châu luôn là điểm đến hấp dẫn

 

Bên cạnh việc thu hút du khách đến với cao nguyên Mộc Châu bằng những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, huyện Mộc Châu còn tổ chức nhiều hoạt động sự kiện, lễ hội thường niên. Trong đó, ít nhất mỗi năm huyện tổ chức 6 sự kiện, như: Hội hoa xuân Mộc Châu, Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu Mưa, Hội hoa lan, Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu, Ngày hội hái quả, Hội thi hoa hậu bò sữa, Hội Trà cao nguyên Mộc Châu... Trong 2 năm (2018 và 2019), huyện đã nghiên cứu, bổ sung tổ chức sự kiện Lễ hội khinh khí cầu quốc tế và giải chạy marathon đường mòn Việt Nam. Phát triển 5 điểm thăm quan di tích lịch sử văn hóa: Hang Dơi, Đồn Mộc Lỵ, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu, Chùa Vặt Hồng (xã Mường Sang). Hệ thống nhà hàng văn hóa ẩm thực dân tộc đặc trưng gắn với các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ đang từng bước được hình thành, phát triển. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực để triển khai sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường bộ, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện, đường vào các khu du lịch; xây dựng điểm, bản du lịch cộng đồng theo kế hoạch.

 

Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Mộc Châu, cho biết: Năm 2019, Mộc Châu đón 1.250.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 67.000 lượt người. Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh liên kết, đồng bộ hệ thống du lịch trên địa bàn huyện với các huyện và các tỉnh, thành. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các Công ty lữ hành, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu tổ chức khảo sát điểm đến, đánh giá chất lượng, điều kiện các dịch vụ du lịch để kết nối tour, tuyến nội tỉnh, liên kết 3 trung tâm Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - thành phố Sơn La - lòng hồ thủy điện Sơn La. Phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xây dựng hoàn thiện tour du lịch nông nghiệp 2 ngày 1 đêm và 3 ngày 2 đêm nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch kết hợp với Đề án siêu vườn trường tạo điểm nhấn thu hút khách, nhất là khách du lịch theo hình thức đi thành gia đình và học sinh đến trải nghiệm, đem lại nhiều lựa chọn cho du khách.

 

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững; nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Với cách làm của mình, Mộc Châu đã và đang nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với gìn giữ nét văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian của các dân tộc..., đưa Mộc Châu thành điểm đến du lịch lý tưởng cho mọi du khách.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới