Dự án kè suối Nặm La - tạo diện mạo mới cho Thành phố

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đầu tư xây dựng công trình kè suối Nặm La (Thành phố) đã hoàn thành giai đoạn I, khối lượng thực hiện đạt 86% giá trị hợp đồng. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa đa mục tiêu, bởi khi công trình hoàn thành, không chỉ có tác dụng điều tiết nước, thoát lũ mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển thương mại - du lịch, tạo tiền đề phát triển đô thị dọc hai bên suối.

Một góc Thành phố bên dòng Nặm La.

 

Đổi thay bên dòng Nặm La

Cách đây 27 năm, vào ngày 27/7/1991, do mưa to, kéo dài, làm nước trên dòng suối Nặm La dâng cao, gây nên trận lũ lịch sử. Theo thống kê của Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận lũ lịch sử đó đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gồm: Hàng trăm ha lúa bị ngập úng, mất trắng; hệ thống thủy lợi bị cuốn trôi, hư hỏng nặng; 9 km đường giao thông bị sạt lở; 9 cầu treo lớn nhỏ và hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ, tốc mái, ngập sâu trong nước; 16 người bị lũ cuốn chết, mất tích. Ước tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng (tính theo giá của thời điểm đó)... Sau thời điểm đó còn xảy ra nhiều trận lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân và làm thay đổi diện mạo của dòng suối Nặm La. Nhưng bây giờ, bất kỳ ai từng biết đến thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La) khi trở lại nơi đây sẽ đều ngỡ ngàng trước diện mạo mới của một thành phố năng động, sầm uất bên dòng Nặm La. Có được sự đổi thay đó, phải kể đến sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, chung tay xây dựng Thành phố. Đã có rất nhiều dự án đường giao thông, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các khu đô thị được chỉnh sửa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đưa vào phục vụ người dân và du khách. Hình ảnh thành phố Sơn La đơn điệu, nhiều khó khăn in hằn trong tiềm thức bao thế hệ giờ đã bước sang trang sử mới. Một trong những công trình đã và đang mang đến sự thay đổi cho thành phố Sơn La hôm nay chính là Dự án đầu tư xây dựng công trình kè suối Nặm La.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng gần cầu Dây Văng, được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XX, bà Hà Thị Thu, tổ 5, phường Tô Hiệu (Thành phố) một trong số hàng trăm hộ bị ảnh hưởng khi triển khai thực hiện Dự án và là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của trận lũ lịch sử trong quá khứ, nhớ lại: Gia đình tôi ở đây từ năm 1975. Trước đây, suối Nặm La nhỏ hẹp, chứ không rộng và đẹp như bây giờ. Con suối bình thường rất hiền hòa nhưng khi bão lũ thì thật khủng khiếp. Nhớ nhất là trận lũ lịch sử năm 1991, nước từ thượng nguồn ập về đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân. Nói đến đây, giọng bà Thu trùng xuống: Trận lũ đó còn cuốn trôi 4 người hàng xóm của tôi, trong đó có cả người lớn và trẻ nhỏ. Riêng nhà tôi nước chảy tràn vào nhà dâng cao hơn 2 m, cuốn trôi nhiều tài sản. Vì vậy, khi nghe tỉnh triển khai Dự án, các hộ dân ở đây đều đồng thuận cao. Từ ngày đoạn suối phía trước nhà được nạo vét, mở rộng dòng chảy, kè hai bên bờ suối và đường giao thông nâng cao, chúng tôi rất phấn khởi vì không thấp thỏm lo chạy lũ mỗi khi mùa mưa về. Tôi tin khi Dự án hoàn thành, Thành phố sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Hơn 40 năm định cư cạnh dòng Nặm La, từng nhiều lần chạy lũ, bà Thu cũng như nhiều hộ dân khác quá thấm thía vì chỉ sau một trận lũ đã trắng tay, không còn nhà cửa, không còn tài sản và cũng có những gia đình mãi mãi mất đi người thân yêu. Đây cũng là lý do khiến bà Thu và các hộ dân đồng thuận cao khi tỉnh triển khai Dự án xây dựng kè suối Nặm La, riêng gia đình bà Thu đã bàn giao 164 m² đất thổ cư và đất vườn cho chủ đầu tư triển khai Dự án.

 

Dự án nhiều kỳ vọng

 

Phối cảnh tổng thể đoạn cầu Nặm La.

 

Suối Nặm La mang trong mình những giá trị lịch sử và là nét đẹp đặc trưng của thành phố hoa ban. Nhìn từ trên cao, dòng suối như dải lụa uốn lượn chảy qua thành phố kéo dài khoảng 18 km từ xã Hua La, qua các phường Chiềng Cơi, Tô Hiệu, Chiềng An và kết thúc ở xã Chiềng Xôm. Việc thường xuyên phải gánh chịu nhiều đợt mưa lũ trong lịch sử và quá trình đô thị hóa khiến dòng suối bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy. Bài toán thoát lũ Nặm La được đặt ra. Sau khi tỉnh ta hoàn thành Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, rà soát số liệu quyết toán tổng thể và đối chiếu với tổng vốn đầu tư đã được Chính phủ giao tại Quyết định 2009/QĐ-TTg, tỉnh Sơn La đã trình xin ý kiến các bộ ngành Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai thực hiện Dự án tại Văn bản số 575/TTg-KTN ngày 05/4/2016. Thực hiện các quy định của Nhà nước, Dự án đầu tư xây dựng kè suối Nặm La đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2046/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 và phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư tại Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 24/5/2017, với tổng mức đầu tư trên 1.475 tỷ đồng. Trong đó, vốn dư sau quyết toán hoàn thành dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La là 1.017 tỷ đồng; vốn điều tiết từ ngân sách tỉnh 50 tỷ đồng; vốn Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng TĐC thủy điện Sơn La 157 tỷ đồng; vốn khác trên 251 tỷ đồng. Dự án thực hiện theo 2 giai đoạn, kè hai bên bờ suối với tổng chiều dài là 6.305 m từ cầu Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi đến cầu Tông Panh (xã Chiềng Xôm) và một số hạng mục khác, chính thức khởi công đầu năm 2017.

Đoạn suối Nặm La từ cầu Coóng Nọi đến cầu 308.

 

Thông tin về Dự án, ông Phạm Tiến Toàn, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, cho biết: Tính đến 30/11/2018, tức là sau gần 2 năm triển khai, giai đoạn I dự án đã thực hiện đạt 86% giá trị hợp đồng, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính tại những vị trí đã có mặt bằng, như: Nạo vét lòng suối, đập dâng, kè, lan can, vỉa hè, đường giao thông 2 bên kè, mặt cầu bản Hài... Hiện chỉ còn hạng mục cầu bản Cọ, cầu Cách mạng Tháng 8 và các vị trí còn vướng mắc về mặt bằng chưa hoàn thành. Giai đoạn II đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2019 khi cân đối đủ nguồn vốn. Từ thực tiễn mùa mưa năm 2018 cho thấy, Dự án đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, khả năng tiêu thoát lũ của suối Nặm La đoạn qua trung tâm Thành phố (mới được xây dựng) đã được cải thiện, không còn hiện tượng ngập, úng như những năm trước.

Đổi thay rõ nhất là đoạn cuối Dự án khu vực từ cầu Coóng Nọi đến Viện Dưỡng lão, đặc biệt là đoạn cầu bản Cọ, do ở hạ lưu đây là một trong những điểm xung yếu thường xuyên gây ngập úng mỗi khi mưa lũ. Những ruộng lúa, hoa mầu, ao cá của nhiều hộ dân đã bị ngập úng, cuốn trôi khi lũ về. Từ khi Dự án thực hiện, dòng suối nạo vét, mở rộng, nhiều hộ dân yên tâm an cư, đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố, tuyến đường ven suối được mở rộng, rải bê tông. Người dân đến định cư ngày một đông, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên. Thông tin từ chủ đầu tư, hiện nay các nhà thầu đang huy động phương tiện, nhân công tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công cầu bản Cọ và cầu Cách mạng Tháng 8, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2019, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước ngày 31/3/2019; các hạng mục còn lại của dự án phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.

 

Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục Dự án kè suối Nặm La

đoạn từ cầu dây văng đến cầu Cách mạng Tháng Tám (Thành phố).

 

Dù chưa hoàn thành nhưng có thể khẳng định, Dự án đầu tư xây dựng công trình kè suối Nặm La đang thực hiện đúng với mục tiêu đề ra và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Khi hoàn thành, dòng suối được nạo vét và xây kè hai bên bờ; toàn tuyến có 4 đập dâng nước theo hình thức đập cao su cao 2,5 m; nâng cấp, xây mới 4 cầu vượt suối bằng bê tông cốt thép. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông, cống thoát nước, đèn, điện chiếu sáng, cây xanh hai bên kè... hoàn thiện đưa vào sử dụng không chỉ góp phần cải tạo dòng chảy, đảm bảo thoát lũ, còn tạo tiền đề phát triển đô thị dọc hai bên suối, đây là Dự án thu hút sự quan tâm và kỳ vọng của người dân.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới