Đồng thuận, quyết tâm nói không với thuốc lá

Nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phòng chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2019.

Nêu nội dung cuộc mạn đàm, ông trung niên thao thao giảng giải:

- Thông qua chủ đề, Tổ chức Y tế thế giới thông tin, khuyến cáo tới cộng đồng rằng sử dụng thuốc lá sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, nhất là các bệnh về phổi; kêu gọi có ngay những hành động kịp thời, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông tăng cường nhận thức vai trò của lá phổi khỏe mạnh, tác hại của thuốc lá khi gây bệnh ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính; kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nói không với thuốc lá.

Tỏ ra hiểu biết, bác da ngăm ngăm nói luôn:

- Theo tôi, cần nhấn mạnh những tác hại do thuốc lá gây ra. Đó là nguyên nhân chính gây ung thư phổi; làm trầm trọng và không thể cải thiện các triệu chứng hen suyễn; gây tàn phế và tử vong đối với người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động. Trẻ em nếu bị hút thuốc thụ động thì khi trưởng thành có thể phải chịu những hậu quả như tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp, giảm chức năng của phổi, nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn, tăng nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp. Hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín... cũng tăng nguy cơ ung thư phổi đối với người không hút thuốc mà thường xuyên hít phải khói thuốc.

Tới lượt mình, anh chàng nhỏ thó cung cấp thông tin:

- Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ, kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Khói thuốc lá gây ô nhiễm không khí, đặc biệt trong môi trường khép kín. Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mạn tính và giảm chức năng của phổi, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, ung thư phổi, giảm chức năng hô hấp, sinh sản. Những nguyên nhân khiến tình trạng hút thuốc lá còn tồn tại, đó là thuốc lá vẫn được bày bán công khai, dễ dàng mua bán; việc kiểm tra, xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng triển khai chưa hiệu quả, thiếu lực lượng thi hành, hình thức và biện pháp răn đe chưa đủ mạnh...

Sau một hồi suy nghĩ, giọng ông trung niên trở nên kiên quyết:

- Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm: Công sở; các trường cao đẳng, đại học, học viện; cơ sở y tế; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực nguy cơ cháy, nổ cao; phương tiện giao thông công cộng, ô-tô, máy bay, tàu điện... Nghị định số 176/NĐ-CP đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định phòng chống tác hại của thuốc lá; Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hành vi hút, vứt bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Thế nên, để xây dựng nếp sống văn minh công sở, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, cần đưa quy định không hút thuốc lá nơi công sở vào quy chế nội bộ và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại hàng năm; cần nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tất cả các phòng làm việc, phòng họp và khu vực hành lang công sở phải gắn biển “Cấm hút thuốc lá” và không trang bị gạt tàn, bật lửa...; thường xuyên kiểm tra, giám sát để nhắc nhở và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Phải không các chú?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới