Đổi thay ở bản Tà Số 1

Những năm gần đây, cuộc sống của bà con bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự quan tâm đầu tư theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của chính người dân nơi đây.

 

Tuyến đường giao thông nội bản Tà Số 1 được bê tông hóa.

 

Tuyến đường từ quốc lộ 6 lên bản dài hơn 7 km đã được đổ bê tông đi lại thuận lợi. Chỉ mất chục phút đi xe máy, chúng tôi đến trung tâm bản đúng dịp mùa mận hậu chín rộ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân đang thu hoạch quả, tư thương mang xe lên tận vườn thu mua. Anh Mùa A Sửu, Trưởng bản Tà Số 1, cho biết: Trước kia, con đường lên bản chỉ toàn là đất đá, nhiều ổ gà, ổ voi. Khi trời mưa to, đường lầy lội, trơn trượt, xe ô tô gầm cao cũng không thể lên được. Bởi vậy, đến mùa thu hoạch nông sản, tư thương thường ép giá, người dân tự chở nông sản xuống huyện để bán, nhưng đến nơi thì dập nát hết cả, bán không được giá. Bây giờ, đường vào bản được Nhà nước đầu tư đổ bê tông. Bên cạnh đó, hệ thống đường nội bản cũng được bê tông hóa theo hình thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp mỗi khẩu 200 nghìn đồng và ngày công lao động. Có đường, bà con thuận tiện đi lại và trao đổi hàng hóa, còn học sinh không còn phải dò từng bước đi để đến lớp vào những ngày mưa gió; cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn nhiều rồi!

 

Bản Tà Số 1 có 197 hộ, với 1.115 nhân khẩu, 100% đồng bào Mông sinh sống. Trước đây, người dân ở bản chủ yếu sản xuất nương ngô, sắn, thu nhập thấp. Từ năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, bản đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém năng suất sang trồng cây mận, đào, chanh leo. Bên cạnh đó, người dân còn trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế rừng. Đồng bào dân tộc Mông đã có sự thay đổi nhận thức trong tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi. Đời sống bà con ngày càng khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%, nhà nào cũng mua được xe máy, tivi, một số hộ khá giả còn mua ô tô để chở hàng, phục vụ việc đi lại của gia đình; nhà cửa cũng được xây dựng khang trang, 90% các hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.

 

Chúng tôi thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Mùa A Của, một trong những người chuyển đổi cây trồng đầu tiên trong bản. Gia đình ông hiện có 1.000 cây mận hậu; nuôi 6 con bò, 20 con lợn rừng, hơn 100 con gà. Ông Của nhẩm tính: Mỗi năm, trừ hết các khoản chi phí, gia đình tôi thu trên 80 triệu đồng. Gia đình ngày càng khấm khá hơn, không phải trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây nữa.

 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được người dân tích cực hưởng ứng. Bây giờ, việc tổ chức lễ cưới ở bản vẫn mang bản sắc dân tộc nhưng đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; đa số các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã từng bước được xóa bỏ, tang lễ tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bản đã thành lập 8 nhóm liên gia tự quản, 1 tổ hòa giải; phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng dân cư. Tổ chức ký cam kết giữa Ban quản lý bản với các hộ gia đình không trồng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.

 

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Mùa A Sửu, Trưởng bản bảo: Bản chúng tôi có cảnh thiên nhiên núi rừng và vườn mận đẹp nhất là mùa nở hoa, giữ được kiến trúc nhà đặc trưng và nét văn hóa đồng bào Mông. Từ ngày có đường giao thông thuận lợi, ngày càng có nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Để giúp người dân tạo thêm sinh kế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, Ban Quản lý bản có kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nhận được sự ủng hộ của các hộ dân. Chúng tôi rất mong huyện quan tâm, hỗ trợ xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản.

 

Những đổi thay về kết cấu hạ tầng và nhất là những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm với những nỗ lực của bà con nhân dân, tin rằng bản Tà Số 1 ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới