Doanh nghiệp Sơn La nỗ lực khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực: Dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, giáo dục, vận tải, đầu tư xây dựng... Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra của sản phẩm; do lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại của các nước đối tác; chưa chủ động chuyển đổi phương án sản xuất, kinh doanh..., dẫn đến giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 của tỉnh chỉ đạt khoảng 76 triệu USD, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

 

Khu dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng hiện đại của Đại lý Honda Ô tô Hà Hường (Thành phố).

                 

Hiện, toàn tỉnh có 2.752 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 37.700 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp, HTX có quy mô nhỏ, chất lượng và năng lực cạnh tranh thấp. Để đối phó với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí hoạt động, lao động và lương nhân công lao động. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 74 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng số 3.036 lao động bị ảnh hưởng.

                 

Công ty TNHH Thương mại Tiến Đàn (Thành phố) là một trong những doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Công ty thông tin: Thành lập năm 2005, hoạt động trên lĩnh vực buôn bán máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp; nhà hàng dịch vụ ăn uống phục vụ và một số lĩnh vực khác, với tổng vốn điều lệ trên 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 22 lao động địa phương. Trong thời gian dịch COVID-19, Nhà hàng Suối Hẹn -Vườn Đào phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến doanh thu giảm sâu, chỉ đạt khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, Công ty vẫn giữ lại toàn bộ số nhân viên cứng và duy trì mức lương tối thiểu cho nhân viên, thông qua việc trích quỹ dự phòng để hỗ trợ nhân viên đảm bảo đời sống, yên tâm gắn bó với Công ty và sẵn sàng quay lại làm việc khi hết dịch.

                 

Đại lý Honda Ô tô Hà Hường, phường Chiềng Sinh (Thành phố) cũng là một trong các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để duy trì hoạt động kinh doanh. Ông Đỗ Huy Hoàng, Giám đốc Đại lý chia sẻ: Trước tác động dịch bệnh COVID-19 khiến doanh số bán hàng giảm mạnh, thu nhập của  nhân viên cũng giảm theo. Đơn vị đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Để duy trì hoạt động kinh doanh, bộ phận chăm sóc khách hàng duy trì kết nối, hỗ trợ thông tin với khách hàng qua phần mềm SCA (phần mềm hỗ trợ tư vấn bán hàng trên Ipad). Đối với các khách hàng có nhu cầu nhận, giao xe tại nhà, đơn vị cử người tới nhận xe, kiểm tra và đem về sửa chữa, sau đó vệ sinh khử khuẩn và mang xe bàn giao tại nhà cho khách hàng. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra cách ly xã hội, Công ty đã trích quỹ dự phòng để hỗ trợ chi trả lương tối thiểu cho trên 100 công nhân viên của đại lý, đảm bảm bảo không bị ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống do giảm thu nhập.

                 

Dịch bệnh COVID-19 đã làm hầu hết doanh nghiệp chịu tác động bất lợi, như: Sụt giảm doanh thu, khó khăn nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gián đoạn các chuỗi sản xuất. Song, nhờ chủ động trong việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, nguyên liệu, trang thiết bị, ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, có kế hoạch chủ động ứng phó trước thiên tai và dịch bệnh đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do dịch bệnh.

                 

Ông Đặng Ngọc Hậu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Để tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, Sở tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban ngành chức năng thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP; hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; các chính sách của Chính phủ về giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất kinh doanh; một số hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về chính sách bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn, nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Đồng thời, triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch nội địa, trọng tâm là Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La...

                 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, những tháng cuối năm sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tăng thu, bù chi, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới