Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham luận tại kỳ họp Quốc hội

LTS: Ngày 26/7/2021, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đồng chí Hoàng Thị Đôi, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nội dung tham luận quan trọng, Báo Sơn La trân trọng lược trích giới thiệu cùng bạn đọc.

                                 

Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.

           

Tôi nhất trí với nội dung báo cáo quyết toán NSNN năm 2019, Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 do Chính phủ trình tại kỳ họp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội.

           

Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, các Nghị quyết của Quốc hội trong quá trình triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành, Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

           

Như chúng ta đã biết, năm 2019 nhiệm vụ tài chính ngân sách được triển khai trong diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên với sự quyết tâm cao của Chính phủ, các Bộ, Ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Do đó đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, một số chỉ tiêu vượt mục tiêu của Quốc hội, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội của đất nước. Kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách được siết chặt, các sai phạm từng bước được khắc phục.

           

Công tác giao và phân bổ dự toán năm 2019 được thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, chấp hành nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế được thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế, cân đối NSNN được đảm bảo, bội chi NSNN và nợ công nằm trong phạm vi quy định của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số lĩnh vực, một số địa phương tình trạng sai phạm trong các khâu lập dự toán, chấp hành, kế toán, quyết toán chưa được khắc phục triệt để; Qua công tác thanh tra, kiểm toán, vẫn còn tình trạng giao nhiệm vụ chưa sát, phân bổ vốn đầu tư chậm, nợ thuế chưa giảm theo chỉ tiêu kế hoạch, tình trạng giải ngân vốn đầu tư, chi sai chế độ, tiêu chuẩn định mức còn diễn ra.

           

Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thông qua chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ, của các địa phương, đã góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, tháo gỡ khó khăn kịp thời các vấn đề lớn, cải cách hành chính được triển khai mạnh đã góp phần quan trọng trong thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính ngân sách, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản.

           

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành các văn bản triển khai tại các địa phương còn chậm, chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, báo cáo đánh giá chưa phản ánh được những tồn tại, bất cập trong thực hiện tại địa phương; công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn bất cập, lãng phí như: tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Nhất là vốn vay còn chậm, quy trình phân bổ, giao, thẩm định dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng chưa đạt tiến độ đề ra, nhiều quỹ ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động nhưng cơ chế thiếu đồng bộ, một số nhiệm vụ chi trùng ngân sách nhà nước nhưng chưa được sắp xếp kịp thời.

           

Từ những kết quả và tồn tại hạn chế nêu trên, tôi xin kiến nghị một số nội dung như sau: 

Định mức chi ngân sách giai đoạn 2016-2021 về cơ bản phù hợp chung với cả nước, tuy nhiên đối với các tỉnh miền núi địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, quá trình thực hiện có những điểm chưa phù hợp (theo tiêu chí vùng, tiêu chí dân số): Nội dung này chưa bao quát được các yếu tố đặc thù khác như vùng cao, vùng biên giới, vùng đông dân tộc thiểu số, các xã nghèo, bản ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo cao… Vì vậy, khi tính toán xây dựng định mức chi giai đoạn 2022-2025 đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm các yếu tố nêu trên (ngoài mức chi bình quân phải cộng thêm các chỉ tiêu hoặc hệ số đối với các địa phương có tính chất đặc thù), để đảm bảo mức tăng hỗ trợ bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP đạt mức chi bình quân vùng và tối thiểu không thấp hơn mức trần chi ngân sách năm 2020.

           

 Về chính sách phân bổ nguồn thu các khoản thuế của một số nhà máy thủy điện lớn (Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy thủy điện Huổi Quảng), do nguồn thu này không có tính bền vững cao, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đồng thời cũng là nguồn thu chịu rủi ro rất cao khi hạn hán xảy ra; khi các khoản thu này không đảm bảo (hụt thu) hiện nay đang thực hiện cơ chế cân đối các nguồn thu trên địa bàn là không phù hợp. Đề nghị trong giai đoạn 2022-2025 cần có cơ chế bù hụt thu tương ứng với số hụt thu đối với nguồn thu này để tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

           

Về giá tính thuế giá trị gia tăng nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay đang giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chưa phù hợp: Đề nghị giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xác định, để đảm bảo đúng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá (hiện nay đang giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định).

           

Đối với các Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Đề nghị thống nhất ban hành danh mục các Quỹ ngoài ngân sách để các địa phương thống nhất thực hiện, tránh tình trạng như hiện nay có nhiều Quỹ được thành lập, nhưng công tác quản lý hoạt động của các Quỹ còn nhiều bất cập; đối với các Quỹ có nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ NSNN, thực hiện chuyển vào NSNN để thực hiện.

           

 Việc triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản nhà nước đòi hỏi phải có đầy đủ các cơ chế chính sách, các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm, nâng cao hiệu lực hiệu quả, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các quy định về định mức, tiêu chuẩn chuyên ngành, các tiêu chí cụ thể trong thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực NSNN, quản lý sử dụng nhà công, đất công, quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.

PV

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới