Định hướng “Thần tượng” trong giới trẻ

Hiện nay, khái niệm “Thần tượng” của giới trẻ không chỉ còn là những ngôi sao trong làng giải trí, như: diễn viên, ca sĩ... hay trong các lĩnh vực như: y tế, khoa học, chính trị, thể thao... mà còn mở rộng đến những cá nhân không hề có chút tài năng, đóng góp gì cho xã hội, họ chỉ là những người bày ra các chiêu trò lố bịch, vi phạm đạo đức và bỗng nổi tiếng nhờ sự tung hô trên mạng xã hội. Không những vậy, những con người đó còn làm ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của giới trẻ. Qua đó, đã dấy lên những mối lo ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.

 

 

Giới trẻ cần tự biết lựa chọn những nội dung bổ ích trên mạng xã hội để tiếp cận.

 

“Khá Bảnh” là một cái tên không còn xa lạ gì, với những clip ăn chơi sa đọa, những điệu nhảy với cái tên khá lạ “múa quạt”… Sau hiện tượng “Khá bảnh” (đã bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt về tội tổ chức đánh bạc vào ngày 03/4/2019), thì gần đây, Huấn “hoa hồng” tức Bùi Xuân Huấn, cũng đã bị chính quyền quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đưa đi cai nghiện bắt buộc. Huấn “hoa hồng” cũng được cộng đồng mạng thường gọi là “giang hồ mạng”, nổi tiếng với những đoạn video, clip có nội dung khoe tiền, khoe vàng đeo trĩu cổ, cuộc sống xa hoa, chửi thề, dọa đánh người, đòi nợ thuê. Đặc biệt, còn thường hay giảng giải về đạo lý, lối sống, đạo đức... khiến cộng đồng mạng xôn xao. Không chỉ “Khá bảnh”, Huấn “hoa hồng” mà còn rất nhiều những người khác cũng đã và đang được coi như những “IDOL trên không gian mạng”

 

Ngoài những “giang hồ mạng” còn xuất hiện những youtuber (người làm các video trên youtube) với những clip mang đủ tính chất nhảm nhí, bất chấp tất cả những chuẩn mực của xã hội để câu view, câu tương tác, tìm kiếm lượt share để kiếm tiền, như: “Thử thách 3 ngày ở nghĩa địa”, “tắm trong cocacola và kẹo mentos”, “doạ ma người đi đường”, “đánh trống trước cổng trường để lừa học sinh” hay những clip về cuộc sống giang hồ... nhiều video có tới 30 - 40 triệu lượt xem, chủ yếu lại là các em nhỏ, có độ tuổi từ 7-15. Được biết, trung bình với 1.000 lượt xem, những youtuber đó sẽ kiếm về cho mình từ 0,3-0,7 USD, ngoài ra còn được thêm tiền nhờ chèn các quảng cáo vào trong các video. Chính vì thu nhập lớn như vậy khiến các chủ kênh youtube sẵn sàng bất chấp tất cả để thực hiện, miễn là có nội dung sốc, giật gân, độc dị để hút lượt xem. “Có lượt xem là có tiền”. Cho dù những nội dung nhảm nhí, không có tính chất giáo dục lại được các thanh, thiếu niên và đặc biệt là các em nhỏ xem rất nhiều.

 

Với sự bùng nổ của các ứng dụng, công nghệ thông tin nên giới trẻ sẽ chịu tác động không nhỏ từ những thông tin trên mạng xã hội và rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, thiếu định hướng. Vì vậy khi những nhân vật, hành động mang tính bạo lực hoặc nhảm nhí không có tính chất giáo dục sẽ trở thành xu hướng thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát trên đường phố, các trật tự, các chuẩn mực của văn hóa, đạo đức, văn hóa ứng xử, văn hóa lối sống cũng sẽ bị kéo theo.

 

Những chuyện về thanh, thiếu niên và trẻ em làm theo những “thần tượng” được các bậc phụ huynh và xã hội nói về rất nhiều, như: cách ăn mặc, đầu tóc, những hành vi, cử chỉ… Chị Đặng Tú Anh, tổ 2, phường Tô Hiệu, chia sẻ: Con tôi năm nay vào lớp 7, cháu vẫn thường xem những video, clip giải trí trên các trang mạng xã hội. Có lần tôi thấy cháu nhảy nhót rất lạ, khi tôi hỏi thì cháu nói cháu nhảy giống anh ở trên mạng. Sau khi xem xét lại lịch sử các video đều thấy không tốt nên đã thắt chặt quản lý việc sử dụng mạng xã hội và hạn chế cho cháu xem những video, clip mang những tính chất nhảm nhí, không có tính giáo dục để không làm ảnh hưởng tới trẻ nhỏ.

 

Chị Bùi Thị Thanh Loan, tổ 6, phường Quyết Tâm, tâm sự:  Trẻ ở tuổi vị thành niên thường cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy sẽ có những hành vi bắt chước người lớn mà không có sự sàng lọc về hành vi. Nếu như các bậc phụ huynh lơ là, chủ quan không quan tâm đến con cái chắc chắn, những thói hư, tật xấu hay những quan điểm suy nghĩ lệch lạc sẽ trực tiếp ăn sâu vào tư duy của con em mình. Đồng thời cũng sẽ gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng. 

 

Thượng tá Tô Xuân Hoàng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La, cho biết: Bên cạnh công tác nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc sử dụng mạng xã hội, thời gian qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh đã trực tiếp phối hợp với một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi ngoại khoá, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, định hướng cho các em cần biết chắt lọc những điều tốt đẹp, những tấm gương cần noi theo. Tránh xa các video, clip mang tính chất xuyên tạc, gây kích động và có tính chất côn đồ, bạo lực...

 

Để chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay, một số nhà trường, đơn vị chức năng đã thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu để tuyên truyền, phản ánh rõ những điều sai trái trên các trang mạng xã hội để thanh, thiếu niên hiểu và lựa chọn những người sẽ trở thành thần tượng. Quan tâm giúp giới trẻ định hướng được những điều tốt đẹp, lựa chọn thần tượng qua những gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt là các phụ huynh cũng cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với từng độ tuổi; quản lý và giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với trang thông tin nào để từ đó có những biện pháp giáo dục kịp thời, hợp lý.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới