Định hướng hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp

Đề tài “Nghiên cứu thực trạng việc làm và xây dựng nội dung tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay” được kỳ vọng đề ra được giải pháp hiệu quả trong việc định hướng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mô hình trồng nấm của đoàn viên Vì Văn Bình, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

             

Đề tài này được triển khai từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020, do Trường Đại học Tây Bắc chủ trì, Tiến sỹ Giang Quỳnh Hương làm chủ nhiệm. Mục tiêu của Đề tài nhằm đánh giá thực trạng và nhu cầu việc làm, khởi nghiệp của thanh niên; dự báo xu hướng việc làm và đề xuất một số định hướng, giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên tỉnh Sơn La hiện nay.

             

Theo Tiến sỹ Giang Quỳnh Hương, khó khăn của các mô hình khởi nghiệp đó là thiếu nguồn vốn, chưa tận dụng nguồn nhân lực, chưa biết tìm người đồng hành để khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh và thiếu kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Đặc biệt, khâu quảng bá, maketing sản phẩm còn rất yếu. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đó, nhóm tư vấn hỗ trợ về nguồn vốn, phương pháp maketing sản phẩm thông qua mạng xã hội, triển lãm, hội chợ... để thanh niên vững chắc cho khởi nghiệp.

             

Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã đưa ra 6 mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Sơn La giới thiệu đến thanh niên thông qua tổ chức Tỉnh đoàn. Đồng thời, hỗ trợ 3 mô hình khởi nghiệp: Du lịch cộng đồng homestay; Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; Sản xuất giống, trồng và sơ chế nấm thương phẩm.

             

Điển hình là mô hình trồng nấm của đoàn viên Vì Văn Bình, ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, do nhóm thực hiện Đề tài lựa chọn để tư vấn, hỗ trợ trong việc sản xuất, đã cho thấy hiệu quả cao hơn, liên kết được thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Trong quá trình trồng nấm, cơ sở được hỗ trợ đưa các giống nấm để áp dụng trồng phù hợp với khí hậu của địa phương. Đồng thời, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, như: Mùn cưa, lõi ngô, rơm, rạ, thân cây sắn, thân cây ngô... để làm giá thể trồng nấm. Sử dụng bột ngô, cám gạo để tăng thêm nguồn cung cấp dinh dưỡng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cho những sản phẩm nấm.

             

Anh Vì Văn Bình, cho biết: Ngoài việc liên kết, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, tôi còn được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc các loại nấm mới. Đến nay, tôi đã sản xuất nấm sò, nấm mèo, nấm rơm, nấm linh chi, nấm hoàng đế... Nhờ được chăm sóc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật kết hợp với những nguồn phụ phẩm nông nghiệp từ địa phương, nên những sản phẩm nấm làm ra đều sạch và an toàn với người tiêu dùng, được tiêu thụ tại một số gian hàng kinh doanh rau, quả an toàn trên địa bàn thành phố Sơn La. Ngoài ra, cơ sở còn cung cấp nấm ăn cho các trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn.

             

Đồng chí Cầm Thị Huyền Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn, nhận định: Hiện nay, vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa định hướng công việc sẽ làm gì, ý tưởng khởi nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu giải pháp giải quyết việc làm và xây dựng nội dung tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên, trong đó vai trò tư vấn, định hướng khởi nghiệp của tổ chức Đoàn Thanh niên và các đơn vị chuyển giao công nghệ sẽ giúp các thanh niên mạnh dạn, tự tin hơn khi đã, đang và sẽ thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

             

Qua nghiên cứu, nhóm thực hiện Đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị, như: Thực hiện tốt chính sách tín dụng, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nhằm hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên; có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp; thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên; rà soát, tổng hợp đề xuất việc sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp; đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề; phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.

             

Những khuyến nghị này sẽ được các tổ chức đoàn tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các kế hoạch, định hướng giải quyết việc làm và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong thời gian tới.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới