Diện mạo nông thôn mới Chiềng Ve

Những năm qua, cùng với định hướng phát triển kinh tế của huyện Mai Sơn, xã Chiềng Ve đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

 

Mô hình nuôi dê của người dân xã Chiềng Ve (Mai Sơn).

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây, đời sống của hơn 640 hộ dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo cao. 5 năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã đã tập trung các nguồn lực hỗ trợ, phát huy lợi thế của địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với gần 800 ha đất canh tác, những năm qua, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng cà phê, cây ăn quả chất lượng cao. Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho nông dân. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB xã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Tính riêng từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp SRI, trồng ngô ngọt, nuôi gà, trồng rau sạch, nuôi cá, thu hái và chăm sóc cà phê, với sự tham gia của 654 lượt người. Đồng thời, bà con tập trung thâm canh 43 ha lúa 2 vụ được gieo cấy các giống lúa lai nếp 87, 97, năng suất đạt 6 tấn/ha, sản lượng đạt gần 250 tấn; 107 ha ngô lai, năng suất 3,2 tấn/ha, sản lượng 340 tấn; 339 ha cây cà phê, năng suất đạt 13 tấn/ha, sản lượng hơn 4.400 tấn và hơn 40 ha rau, đậu, đỗ các loại. Đặc biệt, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, đến nay bà con đã chuyển đổi 280 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày trên nương sang trồng xoài, nhãn, bưởi, chanh leo, sản lượng các loại quả đạt hơn 2.000 tấn/năm. Ngoài ra, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, khuyến khích bà con trồng được 16 ha cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Toàn xã hiện có 12 trang trại nuôi lợn; 5 trang trại nuôi trâu, bò, dê từ 20-50 con; 1 trang trại nuôi 7.000 con thỏ, tổng đàn trâu, bò hơn 1.240 con; 545 con dê, 1.960 con lợn trên 2 tháng tuổi và 30.446 con gia cầm các loại. Các hộ dân trong xã còn nhận khoanh nuôi bảo vệ hơn 1.850 ha rừng; duy trì nghề truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện, đến nay, xã đã xóa xong nhà tạm.

Điển hình trong phát triển kinh tế là bản Púng, nhờ đẩy mạnh thâm canh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã trở thành bản khá của xã. Anh Hà Văn Kinh, Trưởng bản thông tin: Bản có gần 170 hộ, hơn 200 ha đất canh tác. Trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa nương và ngô nên thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2000, bà con đưa cây cà phê vào trồng, đến nay bản đã có 145 ha cà phê được trồng xen với các loại cây ăn quả, sản lượng đạt 1.750 tấn/năm, tổng thu nhập hơn 12 tỷ đồng. Hiện, cả bản chỉ còn 25 hộ nghèo.

Chiềng Ve hôm nay đang khoác lên diện mạo mới, kinh tế có bước phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Những năm tiếp theo, xã tiếp tục vận động bà con đưa các loại cây ăn quả vào trồng trên đất dốc, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi; phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới