Diễn đàn cử tri

Bố trí vốn triển khai làm tuyến đường Sam Kha; Đề nghị miễn thu phí đăng kiểm đối với thuyền trọng tải dưới 1 tấn; Xem xét hỗ trợ đầu tư giống cây sơn tra; Rà soát diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp

Cử tri đề nghị: Tiếp tục bố trí vốn để triển khai làm tuyến đường Sam Kha - Điện Biên Đông trong năm 2016.

UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10-1-2011 với tổng mức đầu tư 57.582 triệu đồng, được triển khai thực hiện từ năm 2012, dự án nằm trong danh mục dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 14-3-2013 của HĐND tỉnh, đến nay đã được giao kế hoạch vốn là 10.950 triệu đồng. Trong giai đoạn 2016-2020 do các nguồn vốn còn khó khăn chỉ tập trung đầu tư các dự án đường đến trung tâm xã để đảm bảo đường giao thông đi được 4 mùa, nên trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 đã xem xét tiếp tục đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật để không lãng phí vốn đầu tư với số vốn còn thiếu khoảng 16 tỷ đồng, trong kế hoạch năm 2016 đã giao 6 tỷ đồng từ nguồn vốn cân đối bổ sung (Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 12-1-2016 của UBND tỉnh)

Cử tri đề nghị: Xem xét miễn thu phí đăng kiểm đối với phương tiện thuyền nhỏ có trọng tải dưới 1 tấn của các hộ gia đình (chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của các hộ gia đình, không tham gia vận chuyển hàng hóa, buôn bán) và gia hạn thời gian đăng kiểm phương tiện đường thủy trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai với thời hạn là 2 năm.

UBND tỉnh trả lời như sau:  Về miễn thu phí đăng kiểm đối với phương tiện thuyền nhỏ có trọng tải dưới 1 tấn: Theo quy định tại mục 3, 4 Điều 8, Thông Tư 75/2014/TT-BGTVT quy định: Nếu phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người thì không thuộc diện phải đăng kiểm phương tiện, không phải nộp phí kiểm định.

Về gia hạn thời gian đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai với thời hạn là 2 năm: Theo quy định tại Điểm 2.2.3- Chương 2, Thông tư 61/2013/TT-BGTVT ngày 31-12-2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn QCVN 72:2013/BGTVT quy định: Thời gian kiểm định đánh giá tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật là: 6 tháng một lần đối với tàu vỏ gỗ; 12 tháng một lần đối với các tàu còn lại. Để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông trên vùng hồ sông Đà thời hạn kiểm định phương tiện cần tuân thủ quy định của pháp luật.

Cử tri đề nghị: Xem xét hỗ trợ đầu tư giống cây sơn tra cho nhân dân trên địa bàn xã Pá Lông, huyện Thuận Châu để trồng thay thế các giống cây trồng ngắn ngày. Với địa hình đất dốc, trồng cây ngắn ngày cho năng suất thấp, mặt khác cây sơn tra phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng.

UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Thuận Châu giai đoạn 2015-2020 do UBND huyện Thuận Châu làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2968/QĐ-UBND ngày 31-10-2014. Trong đó giai đoạn 2015-2020 huyện Thuận Châu trồng mới 910 ha rừng phòng hộ; 545 ha rừng sản xuất. Việc hỗ trợ đầu tư trồng rừng với các loài cây lâm nghiệp đã và đang được triển khai bao gồm cả trồng rừng bằng loài cây sơn tra để phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có địa bàn xã Pá Lông, huyện Thuận Châu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 (Trong đó Nhà nước hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, gồm hỗ trợ cây giống và một phần nhân công cho các chủ rừng khi tham gia thực hiện chương trình phát triển rừng) và quy định tại các văn bản có liên quan.

Cử tri đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp thực hiện rà soát diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp địa bàn toàn tỉnh nói chung (trên địa bàn huyện Sốp Cộp, huyện Thuận Châu nói riêng); sớm đề nghị Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhân dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

UBND tỉnh trả lời như sau: Về rà soát diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp: Hiện nay, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn huyện Thuận Châu, Sốp Cộp đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1996/QĐ-UBND ngày 10-9-2013; Quyết định số 533/QĐ-UBND ngày 19-3-2014. Điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3585/QĐ-UBND ngày 29-12-2014. Mặt khác, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020; Tổ chức triển khai các chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Sốp Cộp, Thuận Châu nói riêng trong giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố phê duyệt. Như vậy, đã xác định được diện tích đất phục vụ cho phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Thuận Châu và Sốp Cộp nói riêng.

Về nội dung này, ngày 27-1-2016 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 116/SNN-CCKL Về việc tăng cường quản lý quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất gửi UBND các huyện, thành phố. Trong thời gian tới, UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác rà soát diện tích đất lâm nghiệp cần chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, trên địa bàn huyện Sốp Cộp, Thuận Châu nói riêng đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan trong việc đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang các mục đích khác đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Về đề nghị Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhân dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định: Hiện nay theo phản ánh của một số huyện thì có một số khu vực quy hoạch là rừng phòng hộ, đặc dụng nhưng thực tế các hộ dân đang sử dụng vào sản xuất nông nghiệp hoặc đất ở. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê các khu vực dân đang ở hoặc đang sản xuất nông nghiệp. Trường hợp bắt buộc phải giải quyết đất ở, đất sản xuất cho dân thì UBND các huyện, thành phố tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh  điều chỉnh quy hoạch rừng, trên cơ sở kết quả điều chỉnh quy hoạch rừng do UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố tiến hành cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân.

 

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới