Diễn đàn cử tri

Đề nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy; Giải trình trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân, thanh toán nguồn kinh phí; Đề nghị sửa đổi việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh

Cử tri đề nghị: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Liên bộ về quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy.

UBND tỉnh trả lời: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc xác định thẩm quyền, thủ tục, quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy và hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đối với các cơ sở điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đoàn đã kiểm tra tại các đơn vị: (1) Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh; (2) Cơ sở Điều trị nghiện ma túy huyện Sông Mã; (3) Cơ sở Điều trị Methadone Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Mã; (4) Cơ sở Điều trị nghiện ma túy huyện Thuận Châu (5) Cơ sở điều trị Methadone Trung tâm Y tế Thuận Châu; (6) Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất ma túy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Qua kiểm tra 03 cơ sở điều trị nghiện ma túy, 100% các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng thẩm quyền, thủ tục, quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy được quy định tại Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA.

Cử tri đề nghị: Chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố giải trình trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân, thanh toán nguồn kinh phí thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh theo Quyết định 319-QĐ/TU ngày 01/12/2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy.

UBND tỉnh trả lời: Thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 ban hành Quy định về theo dõi, đánh giá và xử lý trách nhiệm việc tiếp nhận, phân bổ, giải ngân, thanh toán các nguồn vốn CTMT quốc gia, CTMT và các nguồn vốn ngân sách tỉnh; tại Điều 9 quy định chế độ báo cáo “trước ngày 20 hàng tháng, ngày 20 tháng cuối quý, ngày 20/12 hàng năm...”, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả triển khai thực hiện giải ngân, thanh toán các nguồn kinh phí, trên cơ sở đó đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân, thanh toán nguồn kinh phí thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Cử tri đề nghị: Sửa đổi Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La. Vì theo Quy định của UBND tỉnh, việc bố trí số lượng cấp phó tại các đơn vị trường học chỉ căn cứ vào số lượng người làm việc được giao chưa tính đến yếu tố đặc thù là số điểm trường theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Khoản 2, Điều 6, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ GD&ĐT, nên các đơn vị trường học có nhiều điểm trường (mầm non, tiểu học) gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành.

UBND tỉnh trả lời: UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết nội dung kiến nghị của cử tri, theo Báo cáo số 02/BC-SNV ngày 02/01/2019, Sở Nội vụ đề xuất như sau:

Theo khảo sát, đánh giá chung: Đối với các trường có từ 30 biên chế trở lên được bố trí 02 phó hiệu trưởng, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu; các trường có dưới 30 biên chế được bố trí 01 phó hiệu trưởng theo kiến nghị của đơn vị gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều hành. Trên cơ sở số liệu thống kê các đơn vị trường học sau sắp xếp: trường mầm non có dưới 30 biên chế là 87 trường; Trường tiểu học có 15 trường và trường THCS có 34 trường, được bố trí 01 phó hiệu trưởng.

Như vậy, đa phần là các trường mầm non có dưới 30 biên chế được bố trí 01 phó hiệu trưởng, các trường này thường có ít lớp và được bố trí trong khoảng từ 12 đến 20 giáo viên/trường, về cơ sở vật chất có điểm trường trung tâm và nhiều điểm lẻ khác nhau; ở trường trung tâm thường chỉ bố trí từ 03 đến 05 lớp còn lại đa phần là học tại các điểm trường lẻ, cắm bản, học sinh ăn trưa tại nhà. 

Trong những năm qua, các huyện đã triển khai rà soát, sắp xếp các điểm trường lẻ để vừa tiết kiệm kinh phí, biên chế, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Thực tế hiện nay các trường mầm non đang thiếu giáo viên trực tiếp đứng lớp. Vì vậy, trước mắt cần bố trí số lượng viên chức quản lý phù hợp để giảm áp lực về thiếu giáo viên ở trường mầm non trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp các điểm trường lẻ hợp lý để tăng tỷ lệ số lượng học sinh, trẻ/lớp theo quy định của điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường mầm non. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Trong quá trình thực hiện quy định về số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố đánh giá hiệu quả hoạt động, những hạn chế, bất cập để tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Huy Ngoan (TH)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới