Dịch vụ đa ngành tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã

Nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Người dân đến giao dịch tại điểm bưu điện - văn hóa xã Chiềng Mung (Mai Sơn).

 

Đây là cơ sở để các địa phương tổ chức phát triển bưu chính - viễn thông thống nhất, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông tại các khu vực nông thôn. Từ những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Quyết định 491 đến nay có thể nói, điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh đã trở thành một thiết chế văn hóa cơ sở ở nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của BĐ-VHX”, Bưu điện tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐ-VHX. Toàn tỉnh hiện có 152 điểm bưu điện - văn hóa xã, những năm qua ngoài việc xây dựng nhà và các công trình phụ trợ, Bưu điện tỉnh đã trang bị cho mỗi điểm BĐ-VHX những trang thiết bị cần thiết, như: Bàn quầy giao dịch, cabin đàm thoại, tủ đựng sách báo, bàn ghế và các đầu sách, báo, nhiều điểm còn được trang bị internet để phục vụ nhân dân sử dụng các dịch vụ bưu điện và tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp, pháp luật miễn phí. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân về các dịch vụ bưu chính viễn thông, cung cấp thông tin về pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội... góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngành Bưu điện còn xây dựng Chương trình liên ngành về việc phối hợp triển khai phong trào quyên góp, luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật của xã, và các loại sách báo thiếu nhi đến điểm BĐ-VHX, để giúp nhân dân và thiếu nhi vùng đặc biệt khó khăn có sách đọc miễn phí, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống tinh thần cho thiếu nhi. Đồng thời, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng tinh thần tiết kiệm, tương thân tương ái với các bạn vùng sâu, vùng xa, các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phùng Thế Hùng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Các điểm BĐ-VHX trên địa bàn đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thiết bị mới, treo biển nhận diện thương hiệu, niêm yết thông tin... Ngoài các dịch vụ bưu chính công ích, chuyển phát thư, báo, hàng hóa... thì hiện nay BĐ-VHX còn là điểm phục vụ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân. Đồng thời kinh doanh một số dịch vụ bán bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm nhân thọ, hàng tiêu dùng... Sau khi triển khai mô hình điểm bưu điện - văn hóa xã sang hoạt động đa dịch vụ, tăng trưởng doanh thu mạnh qua các năm với tốc độ bình quân hằng năm trên 100% so với năm trước, nếu năm 2015 doanh thu đạt 4 tỷ 171 triệu đồng, đến năm 2017 tăng lên đạt 21 tỷ 481 triệu đồng, bằng 350% so với năm 2016. Thu nhập nhân viên BĐ-VHX được cải thiện rõ rệt, từ mức 1 triệu đồng/điểm/tháng năm 2014, đến nay đã tăng lên 2-3 triệu đồng/điểm/tháng.

Chị Hoàng Thị Thảo, nhân viên điểm BĐ-VHX Chiềng Mung (Mai Sơn) cho biết: Nhờ thay đổi cung cách phục vụ và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ, đến nay trung bình mỗi tháng điểm BĐ-VHX Chiềng Mung tiếp đón khoảng 300 lượt người dân đến sử dụng dịch vụ cũng như nhận lương hưu, không còn cảnh chỉ mở cửa cho đúng giờ. Thu nhập cũng được tăng lên đáng kể, giúp tôi yên tâm gắn bó với nghề.

Gặp chị Lò Thị Thảo, bản Ngòi, xã Chiềng Chung (Mai Sơn) đến giao dịch tại điểm BĐ-VHX Chiềng Mung cho biết: Tôi có người nhà đi làm xa, cứ 3 tháng lại gửi tiền về cho gia đình. Trước đây, mỗi lần nhận tiền tôi phải xuống tận Bưu điện huyện, nhưng hiện nay chỉ cần ra điểm BĐ-VHX là đã nhận được rồi, vì nhà tôi ở xã Chiềng Chung giáp ranh với xã Chiềng Mung nên không tốn nhiều thời gian đi lại. 

 Việc triển khai thành công hoạt động của điểm BĐ-VHX trong hơn 10 năm qua đã khẳng định được sự thiết thực, tính đa mục tiêu của một loại hình cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, văn hóa gắn với địa bàn nông thôn, nơi chiếm khoảng 80% dân số làm đối tượng phục vụ. Có thể khẳng định điểm BĐ-VHX đã và đang góp phần nâng cao mức độ hưởng thụ về văn hóa và dân trí ở nông thôn. Những năm gần đây, nhất là từ giai đoạn 2007 đến nay, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, mạng thông tin di động, một số vùng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ các dịch vụ bưu chính viễn thông công ích, do đó hoạt động của các điểm BĐ-VHX đã có những thay đổi nhanh. Để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2018 có 100% điểm BĐ-VHX cung cấp đa dịch vụ, ngành Bưu điện tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các chuyên quản dịch vụ và chuyên quản điểm BĐ-VHX, quy định rõ vai trò và chức năng của chuyên quản dịch vụ đối với sự thúc đẩy kinh doanh tại điểm BĐ-VHX; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện tại; tăng cường công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; triển khai các dịch vụ mới phù hợp với điều kiện của từng điểm, từng vùng, không đầu tư dàn trải...

Với lợi thế mạng lưới rộng khắp, ở các vị trí thuận lợi, sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Ngành cùng với động lực phát triển mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh hiện nay, các điểm BĐ-VHX sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới