Dẹp bỏ thói tùy tiện, tự phát

Trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dân tộc ta đã mặc định, đúc kết những nét văn hóa tốt đẹp trong giao tiếp, ứng xử, lối sống và luôn được lưu giữ, phát huy, truyền tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành hồn cốt dân tộc. Song thật tiếc, bên cạnh mạch nguồn đầy ắp chất văn hóa, văn minh, dân tộc và thời đại vẫn tồn tại đâu đó hành vi không đẹp, lối sống thiếu văn hóa, ứng xử kém văn minh, tùy tiện, tự phát.

Lắc đầu, nhăn trán, ông trung niên cất giọng rầu rầu:

- Thói tùy tiện, sự tự phát khởi nguồn từ chính điều kiện sống và lối sống thực dụng. Đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rồi mà vẫn mang theo những thói quen của nền kinh tế tiểu nông nghiệp, thế nên mới tùy tiện nghỉ việc, lỏng lẻo trong tuân thủ kỷ luật lao động, thời gian làm việc, chấp hành không nghiêm các quy chế, quy định đã được đặt ra, một bộ phận còn có xu hướng coi thường pháp luật. Nhiều người hành động tùy tiện sẽ tạo tâm lý đám đông, khiến sự tùy tiện càng có cơ hội lây lan, “bác làm được thì em chẳng tội gì chịu kém”...

Chia sẻ nỗi bức xúc của chủ tọa, bác da ngăm ngăm tiếp luôn:

- Bác nói chí lý! Làm sao lại có thể hồn nhiên ngồi lên đầu rùa đá? Ưỡn ngực chống nạnh cạnh các bức tượng danh nhân? Dẫm lên bồn hoa, cây cảnh để tạo dáng chụp ảnh? Tường nhà, cột điện, hàng rào dán dày đặc quảng cáo tuyển nhân viên, thuê gia sư tại nhà, lắp đặt truyền hình internet, số điện thoại khoan cắt bê-tông, thông hút toa-lét, vô tư xả thải ngay bên đường, cạnh thùng rác in khẩu hiệu “xin cho tôi rác”; tự do giải quyết nhu cầu cá nhân dù có hẳn nhà vệ sinh công cộng; thản nhiên hút thuốc lá trong bệnh viện, trường học, công sở, nơi công cộng; xây chợ thì không vào kinh doanh nhưng lại tự tiện bày bán hàng hóa bên lề đường, vỉa hè; ngang nhiên lấn chiếm hành lang giao thông, hành lang lưới điện để mở hàng quán, nhà kho, xưởng sản xuất... 

Giọng điệu đầy vẻ châm biếm, anh chàng nhỏ thó “tham chiến”:

- Tính tự do, thói tùy tiện, sự tự phát là sản phẩm của lối sản xuất nhỏ, thói quen làm ăn tùy hứng “được chăng hay chớ”, không chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật, kỷ luật lao động; hướng dẫn, quy định một đằng nhưng lại làm một nẻo; nói thì nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu, xử lý công việc theo cảm tính; tham gia giao thông thì phóng nhanh, đánh võng, vượt ẩu kiểu yêng hùng; rọi đèn, bấm còi vô lối như phát rồ, nghênh ngang vượt đèn đỏ; nơi công cộng thì bô lô ba la, thể hiện sành điệu, thời thượng, háo danh, sĩ diện, chẳng biết một ngoại ngữ nào cho ra hồn nhưng liên tục nhắng nhít thank you, OK, yes, no... Điều đáng ngại là tính tự do, tùy tiện, vô tổ chức lại ít được mọi người quan tâm, đấu tranh xóa bỏ.

Sau một hồi chống cằm suy nghĩ, giọng ông trung niên trở nên quả quyết:

 - Hậu quả của sự tùy tiện rất nặng nề, không chấp hành luật lệ giao thông có thể gây tai nạn cho người tham gia giao thông khác; bác sỹ cẩu thả trong khám chữa bệnh có thể cướp đi tính mạng của bệnh nhân; những người thực thi luật pháp hoặc ban hành chính sách sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức nào khi đó là những quy định, chính sách thiếu khả thi, không sát thực tế, sản phẩm của lối “tư duy máy lạnh”... Để hạn chế những sự tùy tiện trong đời sống xã hội cần bắt đầu từ giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử xã hội, hình thành những thói quen tốt, phù hợp thực tiễn đời sống và thuần phong mỹ tục dân tộc mà vẫn bắt nhịp cùng dòng chảy của văn minh nhân loại; cải thiện hình ảnh, tác phong, lối sống, hành vi ứng xử, tạo ra những sự thay đổi tươi mới, hiện đại, văn minh, văn hóa, tôn vinh, quảng bá hình ảnh dân tộc đối với bạn bè quốc tế. Muốn vậy, cần thắt chặt kỷ cương, pháp luật, bảo đảm minh bạch, công bằng trong mọi lĩnh vực. Hơn thế, mỗi cá nhân phải thường xuyên rèn luyện, tự giác thay đổi thói quen, suy nghĩ, hành động phù hợp quy chuẩn xã hội. Các chú thấy thế nào?

Quang Thành - Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới