Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

LTS: Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để người dân hiểu rõ hơn những nội dung chính và công tác triển khai thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hải, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Hòa giải viên tiến hành hòa giải vụ việc dân sự.

 

PV: Xin ông cho biết hòa giải, đối thoại tại Tòa án là gì? Những điểm nổi bật của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án?

Ông Nguyễn Minh Hải: Hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phương thức giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động giữa hai hay nhiều bên có tranh chấp, các khiếu kiện hành chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động quản lý Nhà nước, trong đó có sự tham gia làm trung gian để hòa giải, đối thoại của hòa giải viên Tòa án nhân dân các cấp. Đây là phương thức hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ án, không phải do Thẩm phán thực hiện.

Luật Hòa giải, đối thoại có nhiều điểm nổi bật, đó là: Thời gian giải quyết vụ việc nhanh chóng; đặc biệt là tranh chấp hoặc khiếu kiện được giải quyết một cách kín đáo và bảo mật thông tin; giúp giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử của Tòa án; hạn chế khiếu kiện kéo dài qua nhiều cấp; người khởi kiện không mất chi phí hòa giải, đối thoại (trừ tranh chấp kinh doanh thương mại có giá ngạch hoặc đương sự yêu cầu tiến hành hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án hoặc hòa giải viên cần phải đi xem xét tài sản nằm ở địa phương khác), trường hợp hòa giải, đối thoại thành sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện.

Xuất phát từ những ưu điểm nêu trên, tháng 3/2018, Quốc hội đã cho phép Tòa án nhân dân tối cao tiến hành thí điểm hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố. Sau hơn 2 năm thí điểm, trên cơ sở dự án Luật của Tòa án nhân dân tối cao đệ trình, ngày 20/6/2020, Quốc hội đã nhất trí ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đây là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện cơ chế giải quyết các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính của hệ thống pháp luật Việt Nam theo tinh thần cải cách tư pháp.

PV: Việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt hiệu quả thì vai trò của Hòa giải viên là rất quan trọng. Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện việc lựa chọn, bổ nhiệm hòa giải viên như thế nào? Thưa ông.

Ông Nguyễn Minh Hải: Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, hòa giải viên không phải là cán bộ, công chức Tòa án mà chỉ là người được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh bổ nhiệm để thực hiện việc hòa giải, đối thoại giữa các bên tranh chấp, giữa người khởi kiện với người bị kiện. Nếu hòa giải, đối thoại không thành thì Tòa án mới thụ lý vụ việc để giải quyết theo trình tự tố tụng (điều kiện người được lựa chọn, bổ nhiệm làm hòa giải viên theo Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020).

Thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã thực hiện chặt chẽ, thận trọng và đầy đủ các bước để lựa chọn hòa giải viên, kiểm tra kỹ năng lực, uy tín và các điều kiện của người nộp hồ sơ theo quy định của Luật. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, ngày 02/01/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định bổ nhiệm 39 hòa giải viên (gồm 2 hòa giải viên cấp tỉnh và 37 hòa giải viên cấp huyện).

PV: Để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đi vào cuộc sống, Tòa án nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hải: Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, theo đó trách nhiệm thực hiện hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý thuộc về hòa giải viên. Trước đó, để chuẩn bị cho việc triển khai thi hành Luật, Tòa án nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Tòa án hai cấp phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin, phổ biến, giới thiệu Luật và các văn bản thi hành đến đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, sắp xếp, bố trí máy móc thiết bị và phòng hòa giải, phòng làm việc cho hòa giải viên phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại.

Sau 3 tháng thi hành Luật, đã có 23 vụ việc các đương sự chấp nhận thực hiện thủ tục hòa giải, đối thoại. Trong đó, đã hòa giải thành 2 vụ, hòa giải không thành 8 vụ, đang hòa giải, đối thoại 13 vụ. Số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại chưa nhiều do người khởi kiện, người bị kiện không đồng ý lựa chọn hòa giải, đối thoại, chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, phần đông nhân dân chưa thực sự hiểu rõ những lợi ích mà việc hòa giải, đối thoại mang lại. Trong thời gian tới, Tòa án hai cấp trong tỉnh sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nhân dân hiểu và lựa chọn, góp phần đưa đạo luật hết sức tiến bộ này đi vào cuộc sống.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Thủy Ngân (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới