Đẩy mạnh tư vấn, đào tạo nghề cho nông dân

Trung tâm hỗ trợ nông dân Sơn La (Hội Nông dân tỉnh) luôn chú trọng công tác thông tin về thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; tư vấn học nghề và đào tạo nghề cho nông dân, giúp bà con được học nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

 

 

Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh hướng dẫn người dân trồng rau trong nhà màng.

 

Hằng năm, với nhiều hình thức hoạt động, như: Tổ chức các lớp tập huấn tại các huyện; phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị tư vấn về việc làm, chuyển đổi sản xuất... Trung tâm đã tuyên truyền về học nghề, chính sách đào tạo nghề cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp và hội nông dân các cấp thực hiện các hoạt động dịch vụ cung ứng phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm; tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và các chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn môi trường.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ, nhóm, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; kỹ thuật sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường về nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm...; hỗ trợ xây dựng mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất rau, cây ăn quả, cây cà phê cho nông dân. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai xây dựng các mô hình trồng cam, bưởi, nhãn; trồng rau an toàn trong hệ thống nhà lưới, để hội viên nông dân đến tham quan và học tập kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế sản xuất.

 

Riêng năm 2020, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 8 hệ thống nhà màng cho 8 hộ nông dân và hợp tác xã; lắp đặt 4 hệ thống tưới tiết kiệm cho 4 hộ nông dân; hỗ trợ 3 mô hình trình diễn nuôi gà ứng dụng công nghệ sinh học... Đồng thời, ký hợp đồng trách nhiệm với Công ty cổ phần Việt Tín, Công ty Con Cò Vàng, Trạm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật ngô vùng Tây Bắc cung ứng 15.550 kg phân bón con cò vàng, 5.885 kg giống ngô lai LVN10 cho nông dân các huyện: Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu; giới thiệu 13 lao động đi làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

 

Ngoài ra, để gắn kết đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, Trung tâm đã tăng cường công tác điều tra cung, cầu lao động; xây dựng bộ dữ liệu gốc về thị trường lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn việc làm lưu động tại các xã, bản để người dân được tiếp cận thông tin thị trường lao động, từ đó tìm được việc làm phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình. Cùng với đó, ký hợp đồng với Công ty TH True Milk và Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao về công tác đào tạo nghề cho công nhân và tìm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

 

Anh Lầu A Páo, hội viên của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tại xã Vân Hồ, cho biết: Năm 2019, gia đình được Trung tâm hỗ trợ lắp đặt 300m² nhà màng và 1 ha hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, trồng các loại rau mùa vụ và rau trái mùa cho năng suất cao. Hiện, hằng tuần, gia đình cung cấp cho các siêu thị ở thành phố Hà Nội, trừ chi phí thu lãi 700-800 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình đã xây được nhà ở khang trang và mua được xe ô tô phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm của Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đã giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục khảo sát, điều tra nắm bắt các thông tin thị trường về lao động; xây dựng kế hoạch đào tạo, tư vấn việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động... giúp nông dân lựa chọn được công việc phù hợp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phạm Hoa
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới