Đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản, thủy sản an toàn

Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh ta đã xây dựng, duy trì và phát triển được 61 chuỗi cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn, tăng 17 chuỗi so với năm 2017, với trên 890 ha, sản lượng ước đạt 22.900 tấn. Đến nay, nhiều chuỗi nông sản đã phát huy hiệu quả, ngoài cung cấp cho hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh còn xuất khẩu ra nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.

6.jpg

Sản phẩm rau, quả an toàn Sơn La tham gia chuỗi được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.

Hiểu được lợi ích của việc tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản nên ngày càng nhiều hộ sản xuất liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự khác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập mới 121 HTX, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 537 HTX, với 28.588 thành viên, 6.500 lao động, tổng số vốn hoạt động 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 80 triệu đồng/HTX, tăng 20 triệu đồng so với năm 2017. Cùng với đó, toàn tỉnh thành lập 205 tổ hợp tác, 1 liên hiệp HTX. 

Ông Hồ Trung Kiên, Quyền Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh, cho biết: Năm 2018, công tác tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn nhất là công tác hỗ trợ xúc tiến giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu I đã cấp 25 mã số vùng trồng xoài, nhãn, mận, bơ, với tổng diện tích là 228 ha cho các HTX; tỉnh đã hỗ trợ 27 doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản theo chuỗi được dán tem điện tử thông minh nhận diện và truy xuất nguồn gốc (QaRcode), với tổng số trên 168.000 tem; trên 50 HTX được hỗ trợ 53 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước và Showroom giới thiệu, quảng bá quả xoài da xanh, chanh leo tại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc)... Qua đó, nông sản an toàn Sơn La từng bước tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, ngày càng thu hút được nhiều các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn theo chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì và phát triển 61 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, trong đó 18 chuỗi rau, 35 chuỗi quả, 4 chuỗi cá, 2 chuỗi thịt lợn và 2 chuỗi mật ong. Tiêu biểu như sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó (Mai Sơn) đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Đu Bai; xoài tượng da xanh của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn) xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia; quả chanh leo tươi của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc xuất khẩu sang Pháp, nhiều sản phẩm nông sản an toàn cung cấp cho chuỗi siêu thị lớn như: BigC, Lotte, Aeon, Vinmart, Hapromart...

Là một trong những HTX tích cực tham gia hoạt động xuất khẩu của tỉnh, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó (Mai Sơn), cho biết: Hiện nay, HTX có 25 thành viên, quy mô 70 ha thanh long ruột đỏ, 105 ha xoài, nhãn, bưởi được trồng theo quy trình VietGAP. Diện tích thanh long cho thu từ 20-25 tấn/ha, với giá bình quân 25.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ thanh long từ 550-600 triệu đồng/ha. Niên vụ 2018, có 70 tấn quả thanh long ruột đỏ tham gia chuỗi được tỉnh hỗ trợ dán tem nhãn, bao bì xuất khẩu, với giá 26.000 đồng/kg, trong đó xuất bán cho Công ty Đồng Giao 20 tấn, Dubai 15 tấn, Trung Quốc 35 tấn. Ngoài ra, HTX còn xuất khẩu 295 tấn xoài sang Trung Quốc. Hiện nay, HTX đã liên kết với Công ty cổ phần Green Path Việt Nam xây dựng lắp đặt khu sơ chế, chế biến và kho bảo quản sản phẩm tại khu khảo nghiệm Trường Cao đẳng Nông lâm rộng 16 ha, tổng dự toán 200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, HTX sẽ kết nạp thêm 100 đến 150 hộ thành viên; dự kiến trồng thêm khoảng 30 đến 50 ha cây thanh long ruột đỏ.

Qua trao đổi với lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh được biết, vùng sản xuất nông sản an toàn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước của tỉnh ta còn phân tán; diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP chỉ chiếm 8,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích cây ăn quả chiếm 0,8% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh; chỉ có 13,9% tổng số doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; một số doanh nghiệp, HTX chưa chủ động trong việc tổ chức sản xuất, sơ chế, kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX triển khai phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Phấn đấu năm 2019, toàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định 125 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 20% diện tích sản xuất rau, quả (tương đương trên 10 nghìn ha) áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương; 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới