Đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tập trung triển khai kế hoạch đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, để phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) ngày càng tốt hơn.

Người lao động sử dụng thẻ ATM để nhận trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh: Bảo Khánh

Việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 và được Chính phủ thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/8/2018; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 20/3/2019 về thực hiện Nghị quyết này; Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 1764/KH- BHXH ngày 23/5/2019 về thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu đến năm 2020 đạt khoảng 30%, năm 2021 đạt khoảng 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị. Yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Bưu điện tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân của người lao động. Hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, BHXH một lần cho người lao động qua tài khoản cá nhân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, bưu điện. Phối hợp với các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán công hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế ưu đãi khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Định hướng, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới ATM để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt nơi tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn; triển khai hỗ trợ mở tài khoản, thẻ ATM cho người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp.

Trước mắt trong năm nay, Bảo hiểm xã hội đã xây dựng kế hoạch phấn đấu có 20% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã làm việc với ngân hàng Agribank về các cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; khảo sát và bố trí lắp đặt bổ sung cây rút tiền tự động, các điểm giao dịch lưu động trên địa bàn tỉnh. Triển khai áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng, nhất là đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển và ứng dụng các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch nhận tiền trợ cấp BHXH, BHTN với nhiều hình thức thanh toán: thanh toán trực tuyến, thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động và các hình thức thanh toán hiện đại khác. Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thông báo các điểm giao dịch cho các đối tượng đến giao dịch trực tiếp; hướng dẫn người lao động mở tài khoản tiền gửi thanh toán cho khách hàng chưa có tài khoản tiền gửi để nhận tiền thanh toán chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.

Với mục tiêu chung là thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong chi trả các chế độ BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán trong khu vực dịch vụ hành chính công, giữa doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện hiệu quả cơ chế bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chủ trương đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công nói chung và chi trả các chương trình an sinh xã hội nói riêng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện đại. Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân cần nhận thức đúng về hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, lựa chọn sản phẩm thanh toán qua các ngân hàng phù hợp với nhu cầu vừa thuận lợi cho cá nhân thụ hưởng và giúp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới