Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã mở rộng lĩnh vực hoạt động, tích cực liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho hội viên nông dân; hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.

 

HTX đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm sản xuất cám thảo dược.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, thời gian qua, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Hội nông dân, Trung tâm đã chủ động tìm nguồn và liên kết với các doanh nghiệp, HTX, tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt đến với hội viên nông dân... Các lớp dạy nghề được đào tạo theo phương châm vừa học, vừa thực hành; xây dựng các mô hình tại Trung tâm để hội viên đến học tập, tham quan thực địa, thực hành tại chỗ để dễ dàng tiếp cận kỹ thuật trong sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cung ứng hàng trăm tấn phân bón, giống cây trồng cho hội viên nông dân trong toàn tỉnh; tổ chức 8 hội nghị xây dựng, quản lý và phát triển hợp tác xã; 12 lớp chuyển giao khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho hàng trăm lượt hội viên nông dân. Liên kết với HTX đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm triển khai xây dựng trại nuôi 3.000 con gà thảo dược, với quy mô 1.000m2 và lắp đặt máy sản xuất cám thảo dược. Liên kết việc với Công ty TNHH may và xuất khẩu Việt Hà mở lớp dạy nghề may cho 30 hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh, với phương thức vừa học, vừa sản xuất, sau 3 tháng, các học viên đã bắt đầu làm việc và được trả lương trung bình 2,3 triệu đồng/người/tháng; mở 2 lớp sơ cấp nghề “Nuôi và phòng trị bệnh cho gà thảo dược” gắn với nhân rộng mô hình cho hội viên nông dân của huyện Yên Châu; xây dựng 8 mô hình nhà màng, tưới nhỏ giọt tại các huyện: Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Yên Châu, Phù Yên và Thành phố.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi gà thảo dược tại Trung tâm, ông Phạm Bảo Chung, Giám đốc HTX đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm cho biết: Cám thảo dược do HTX tự sản xuất bằng cám gạo, ngô, sắn và các loại cây dược liệu như tỏi, xả, nghệ, xuyên tâm liên, sài đất... theo công thức bổ sung nguồn thảo dược có tác dụng phòng chống bệnh, giải độc, kháng khuẩn, giải phóng các kim loại nặng như sắt, đồng, kẽm mà không phải sử dụng kháng sinh, chỉ cần cho gà uống bổ sung vắc xin. Sau 4 tháng đã xuất bán, trọng lượng trung bình 2kg/con, bán giá từ 90.000-95.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước tính cho lãi 60.000 đồng/con. Đến nay, đã có một số hộ tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã đến học tập và triển khai nuôi gà thảo dược, với quy mô 2.700 con, được HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ vay trả chậm 50% giá trị giống, 70% giá trị cám. Hiện đàn gà đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến tháng 1/2020 sẽ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Tại lớp học may do Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH may và xuất khẩu Việt Hà tổ chức, hơn 30 nữ học viên đều là hội viên nông dân người dân tộc Thái. Chị Cà Thị Hòa, ở bản Mé, xã Mường Bằng (Mai Sơn) chia sẻ: Ở nhà, trước đây tôi chỉ biết trồng, ngô, sắn, chăn nuôi rất vất vả, được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tuyển vào lớp học may từ tháng 7/2019. 3 tháng học việc được ăn bữa trưa và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng, sau đó tôi bắt đầu được may sản phẩm, tháng vừa rồi, tôi đã được Công ty trả 2,5 triệu đồng tiền công. Chúng tôi rất yên tâm vì đã có nghề và thu nhập ổn định.

Theo ông Trần Văn Hùng, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất cây ăn quả cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ hội viên nông dân; nhân rộng mô hình nuôi gà thảo dược, hiện đã có 10 hộ hội viên nông dân tại xã Chiềng Ngần (Thành phố) đăng ký thực hiện; đồng thời, mở rộng lớp học nghề may.

Có thể thấy, thông qua công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên đã thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, được tiếp cận với phương thức sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới