Đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: Chung tay bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đòi hỏi sự vào cuộc của các doanh nghiệp cùng với lực lượng chức năng, người tiêu dùng tham gia đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX nhận biết hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Viết Thông, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thông tin: Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn vẫn còn xảy ra. Các đối tượng in tem nhãn, bao bì, xuất xứ giả các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng, hoặc thay đổi nhãn mác, tăng thời hạn sử dụng. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, bao bì in sẵn từ nước ngoài sau đó lắp ráp, đóng gói và dán nhãn giả nguồn gốc xuất xứ mang đi tiêu thụ diễn biến ngày càng phức tạp, nổi lên một số nhóm mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, phân bón, thuốc chữa bệnh cho người. Nhiều trường hợp sản xuất hàng giả mạo tên, địa chỉ của một doanh nghiệp không có thật để lừa dối người tiêu dùng (đặc biệt là hàng giả xuất xứ có nguồn gốc nước ngoài). Hàng giả chủ yếu được vận chuyển tiêu thụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc trà trộn với hàng thật ngay tại các đô thị.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, tổ chức ký cam kết thương nhân, trưng bày gian hàng thật - hàng giả tại một số hội chợ, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết cho nhân dân. Duy trì việc tiếp nhận các thông tin phản ánh, khiếu nại của doanh nghiệp, người tiêu dùng thông qua đường dây nóng, kịp thời phân loại, xác minh làm rõ thông tin để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ năm 2013 đến hết quý I năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý 760 vụ; tổng thu phạt hơn 4 tỷ đồng, trong đó: Phạt hành chính hơn 1,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 2,2 tỷ đồng. Các năm từ 2013 đến 2017, bình quân kiểm tra, xử lý từ 70-100 vụ vi phạm; riêng quý I năm nay, kiểm tra, xử lý lên tới 327 vụ, với tổng thu phạt gần 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít các doanh nghiệp không quan tâm đến chống hàng giả, thậm chí có doanh nghiệp không trao đổi hợp tác, cung cấp thông tin về các sản phẩm làm giả, gây khó khăn cho điều tra, xử lý. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với sản phẩm của mình đang lưu thông trên thị trường. Theo ông Nguyễn Viết Thông: Khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân bị hại lại không tích cực tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình, vì cho rằng do thủ tục phiền phức hoặc ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh; lo sợ người tiêu dùng nghe thông tin về hàng giả, hàng nhái sẽ tẩy chay, chuyển sang chọn sản phẩm hàng hóa khác.

Chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là bảo vệ quyền lợi của chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Song, công tác đấu tranh trong lĩnh vực này thời gian qua vẫn chủ yếu là các lực lượng chức năng. Các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý chặt chẽ về quy trình sản xuất hàng hóa và hệ thống phân phối hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để kịp thời kiểm tra, xử lý; phối hợp với lực lượng chức năng phổ biến cách nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp các phương tiện kỹ thuật cần thiết cho các cơ quan chức năng, người tiêu dùng để kiểm tra, xử lý và phòng tránh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp và hiệp hội cần tích cực thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, xác minh khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới