Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Mai Sơn

Khởi đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Mai Sơn có 85,7% số xã đạt dưới 5 tiêu chí; có 6,3% số xã đạt từ 5-9 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 2,9 tiêu chí/xã; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất manh mún, tỷ lệ hộ nghèo cao... Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bình quân các xã đạt 11,38 tiêu chí/xã, 4 xã về đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần so với năm 2010, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn mới nhiều khởi sắc.

Công nhân Điện lực Mai Sơn lắp đặt đèn chiếu sáng nông thôn.

Để có thành quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, huyện Mai Sơn đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là khơi dậy được tinh thần đồng sức, đồng lòng của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân được chú trọng tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích; tuyên truyền miệng được lồng ghép vào các cuộc họp bản và tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng... Các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đã phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với xây dựng nông thôn mới, như: “Tuổi trẻ Mai Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”..., huy động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2019, toàn huyện đã huy động trên 488 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp trên 160 tỷ đồng, chiếm hơn 33% so với tổng huy động đầu tư. Từ nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư xây dựng 273 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường lớp học, nước sinh hoạt, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã, bản, tiểu khu... đảm bảo kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ. Đến nay, 20/21 xã đã có đường giao thông đi được 4 mùa và hơn 208 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; 19/21 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 20/21 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 20/21 xã có nhà văn hóa cơ bản đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 389/458 bản, tiểu khu có nhà văn hóa...

Trong phát triển kinh tế, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế từng vùng. Điểm nổi bật là vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện, hiện có 7.650 ha cây ăn quả các loại (tăng 6.213 ha so với năm 2015). Các sản phẩm quả của Mai Sơn được thị trường ưa chuộng, đánh giá cao, ngoài tiêu thụ sản phẩm trong nước, các loại quả còn được xuất khẩu sang thị trường Úc, DuBai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia... Trồng cây ăn quả không chỉ đem lại thu nhập cao cho các hộ gia đình; việc liên kết các hộ trồng cây ăn quả thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tập thể, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương. Huyện duy trì phát triển các loại cây công nghiệp với 15.750 ha mía, cà phê và sắn cung cấp cho vùng nguyên liệu cho Nhà máy Mía đường Sơn La, 2 Nhà máy tinh bột sắn và sản xuất cà phê xuất khẩu...

Lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn cũng ngày càng phát triển. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, phổ cập giáo dục được củng cố và hoàn thiện, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng, xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh; toàn huyện có 19/57 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở y tế từ huyện đến xã, thị trấn từng bước được đầu tư, xây mới, sửa chữa nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, Chương trình 135, huyện đã tạo điều kiện cho 2.580 hộ nghèo, cận nghèo vay gần 65,5 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh; huy động xã hội hóa của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm trên địa bàn... đảm bảo an sinh xã hội. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 18,49% (giảm 11,12% so với năm 2010); thu nhập bình quân 35,2 triệu đồng/người/năm (tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2010).

Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc”, huyện Mai Sơn đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Phấn đấu trong giai đoạn 2020-2030, toàn huyện sẽ có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng 7 bản nông thôn kiểu mẫu.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới