“Đảng viên đi trước - làng nước theo sau”

Ngày chớm đông tháng 11/2019, tôi trở lại bản Giáng, xã Chiềng Đen (Thành phố), nơi mà trước đây, nhiều người e ngại mỗi khi có việc phải đến, bởi con đường vào bản quá đỗi gian nan. Còn hôm nay, đường nhựa thênh thang, nhiều nếp nhà được xây khang trang, to đẹp, hiện lên như một bức tranh với gam màu tươi sáng.

Ngược dòng thời gian

Ngồi xe ô tô đi trên con đường nhựa dẫn vào bản Giáng, tôi nhớ lại 17 năm về trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây theo đoàn thanh niên tình nguyện. Khi đó, con đường đất vào bản rộng chừng 1 mét, dài hơn 10 km từ trung tâm xã Chiềng Đen vào bản Giáng xuyên qua cánh rừng già còn nhiều cây cổ thụ chừng 2 người ôm mới xuể, chúng tôi phải đi mất gần 3 tiếng đồng hồ vượt những con dốc thẳng đứng, có con dốc sâu trơn trượt, gập ghềnh, nếu xuống dốc 1 người dắt xe thì phải có người đằng sau níu lại, không cả xe và người sẽ lăn xuống vực, phái nữ chúng tôi không ai có thể tự lái xe máy vào đó được.

 

 

Sân thể thao và Nhà văn hóa bản Giáng, xã Chiềng Đen (Thành phố)

nơi tổ chức các hoạt động chung của bản.

Bản Giáng ngày ấy gần như biệt lập với bên ngoài và còn có cái tên bản “3 không” (không điện, không đường và không nước sạch sinh hoạt). Cả bản khi đó chỉ có khoảng 20 nếp nhà xiêu vẹo, người dân chủ yếu canh tác trồng dâu, nuôi tằm, trồng ngô, lúa nương, hiệu quả kinh tế không cao, hằng năm các hộ thường xuyên bị đói giáp hạt; 100% hộ dân trong bản thuộc hộ nghèo. Cũng vì đường đi vào bản khó khăn nên việc giao thương buôn bán với bên ngoài rất hạn chế, cuộc sống của các hộ dân nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp... Sau 17 năm trở lại thăm bản Giáng, cuộc sống đổi thay nơi đây khiến tôi ngỡ ngàng.

 

Đường nội bản bản Giáng, xã Chiềng Đen được đổ bê tông đi lại thuận tiện.

 

Đảng viên đi trước

 

Đến thăm nhà Bí thư chi bộ bản Giáng, thật bất ngờ khi người đứng đầu Chi bộ còn rất trẻ, đó là anh Vì Văn Long, sinh năm 1986. Sau cái bắt tay thật chặt, anh Long mời chúng tôi ngồi uống nước, chờ anh cung cấp nốt số liệu cho các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đang thống kê lại diện tích đất lâm nghiệp để đưa vào kế hoạch trồng rừng sắp tới. Nhìn Bí thư chi bộ và 2 nữ kiểm lâm phụ trách địa bàn vừa đi kiểm tra thực địa về, quần áo ướt nước mưa nhưng vẫn mải mê khớp nối lại số liệu cho chính xác, tôi cảm nhận được sự tận tâm với công việc của họ.

Trở lại câu chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về các lĩnh vực của bản Giáng, Bí thư chi bộ như thuộc lòng số liệu từng lĩnh vực, không cần sổ sách để cung cấp thông tin. Qua câu chuyện của anh, chúng tôi được biết, hơn 10 năm về trước, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng lạc hậu, manh mún. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển kinh tế, Chi bộ thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, giao nhiệm vụ cho nhóm “hạt giống đỏ” là Trưởng bản, Đoàn Thanh niên và 14 đảng viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bà con thấy được hiệu quả và làm theo.

 

 

100% hộ dân ở bản Giáng đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trời tạnh mưa, chúng tôi đến thăm gia đình anh Quàng Văn Vui, là đảng viên làm kinh tế giỏi của bản. Thấy có khách đến, anh Vui sởi lởi mời chúng tôi vào nhà, vừa rót nước, vừa gọi con mang đĩa ngô còn nóng hổi mời khách. Anh Vui nói: Đối với cây ngô, là cây trồng lâu năm quen thuộc bao đời nay với người dân bản Giáng, nhưng trước đây gieo trồng theo kiểu tự nhiên, không chăm sóc, không bón phân nên khi thu hoạch cho năng suất rất thấp... Sau khi được cấp ủy, ban quản lý bản tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan các mô hình trình diễn, khảo nghiệm giống mới do xã, các cơ quan chức năng của Thành phố tổ chức, tôi đã biết áp dụng các kỹ thuật canh tác và sử dụng các loại giống mới để đưa vào sản xuất, năng suất ngô đạt gần 7,6 tấn/ha, đồng thời hướng dẫn bà con cùng làm. Năm nay, ngô được giá, các thương lái mua tại nương với giá 2.700 đồng/kg ngô tươi, gia đình tôi thu khoảng 100 triệu đồng tiền bán ngô. Ngoài trồng ngô, cà phê, gia đình còn chăn nuôi bò, nuôi cá, thu nhập hằng năm trừ chi phí thu hơn 300 triệu đồng. 

Rời nhà anh Vui, thăm hộ anh Lù Văn Hải, là 1 trong 5 hộ đảng viên được bản bình xét là gia đình làm kinh tế giỏi trong năm 2018. Gia đình anh đã dựng được ngôi nhà sàn rất to, khang trang rộng rãi, trước cửa nhà dựng 3, 4 chiếc xe máy đẹp với nhãn hiệu đang được ưa chuộng. Anh Hải không giấu niềm vui: Thành quả kinh tế của gia đình có được ngày hôm nay, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chi bộ bản đã vận động đảng viên tiên phong gương mẫu đi trước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của Đảng bộ xã Chiềng Đen và Thành phố. Được cán bộ xã lên tận bản tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả chất lượng cao. Để “chắc ăn”, Ban Quản lý bản đề nghị UBND xã cử cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ việc hướng dẫn cách chọn mua cây giống, làm đất, để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc... gia đình tôi trồng 500 gốc xoài, năm nay đã cho bói được 2 tạ quả, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Thấy nhà tôi đưa giống cây trồng mới vào sản xuất đem lại thu nhập, một số hộ trong bản đang học và làm theo, trồng thử nghiệm các loại cây xoài lai, cam... Ngoài ra, với diện tích hơn 3 ha đất đồi, tôi trồng giống ngô cao sản, đạt năng suất 7-8 tấn/ha. Trung bình hằng năm trừ các chi phí đầu tư, thu nhập của gia đình đạt khoảng 400 triệu đồng.

Kết quả của việc nêu gương

Sau khi đi thăm một số hộ trong bản, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự năng động của những đảng viên trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Bước chân trên con đường bê tông chạy dài vào đến tận các hộ dân, đếm sơ qua ngay từ đầu bản có hơn 10 nhà xây 2 tầng, nhà sàn to đẹp, khang trang. Anh Vì Văn Long khẳng định: Bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân bản Giáng đổi mới như ngày hôm nay, còn nhờ lực lượng đảng viên đi đầu, gương mẫu trong việc góp công, góp tiền, hiến đất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đường giao thông nội bản chỉ còn 150 m nữa là đạt 100% các tuyến đường nội bản được bê tông hóa. Có đường, người dân thuận tiện đi lại giao thương hàng hóa, nông sản được thương lái đến tận vườn thu mua. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi phấn đấu làm nốt đoạn còn lại. Còn điện được Nhà nước đầu tư, kéo đến 100% hộ dân, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất, giờ bản Giáng không còn là bản “3 không” nữa. Cả bản có 3 xe ôtô, 176 chiếc xe máy và 97 chiếc ti vi. Trẻ con trong bản giờ sướng lắm, được đi học bằng xe ô tô, xe máy, có điện để học bài và xem ti vi giải trí, học qua truyền hình... Các phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được duy trì và phát triển rộng khắp, bản có 1 đội văn nghệ, 1 đội thể thao thường xuyên luyện tập, giao lưu; năm 2018, bản có 78/88 hộ đạt gia đình văn hóa. An ninh trật tự được giữ vững. Xác định muốn xây dựng nông thôn mới thành công, phải phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, bà con trong bản tích cực ứng dụng kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, duy trì chăn nuôi trên 200 con trâu, bò; hơn 700 con lợn và 7.000 con gia cầm. Ngoài các cây trồng chủ lực, như: 39 ha mận hậu; 290 ha ngô; 7 ha sắn; 24 ha cà phê, nhân dân đã trồng 5 ha cây ăn quả khác, như: Cam, nhãn, xoài Đài Loan... với mục đích đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, tránh việc thu nhập phụ thuộc vào một loại cây trồng, hơn nữa lại có thu nhập thường xuyên, ổn định. Năm 2018, tổng thu nhập toàn bản đạt hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân 26 triệu đồng/người/năm. Để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, Chi bộ bản luôn chú ý đến công tác phát triển đảng viên, năm 2018 đã kết nạp được 2 đảng viên mới, năm 2019 đã giới thiệu 4 quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp Đảng.

 

 

Nông dân bản Giáng chăm sóc diện tích cà phê.

 

Chia tay bản Giáng khi ngọn núi phía Tây đã đổ bóng, từng đám mây trắng là là trên nóc những nếp nhà khang trang. Nhìn lại chặng đường 17 năm đã qua, người dân bản Giáng có quyền tự hào về những thành quả đã đạt được. Việc nêu cao vai trò trách nhiệm của người đảng viên trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua luôn là phương châm hành động đúng đắn. Chính từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên, đã xây dựng được niềm tin để nhân dân học theo, đoàn kết góp sức xây dựng bản Giáng ngày càng tươi sáng, giàu đẹp hơn.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới