“Dân vận khéo” với những mô hình cụ thể, hiệu quả

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, những năm qua, Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai đã tập trung triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực trong tất cả các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống cho hội viên.

 

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà của các hộ thành viên HTX thủy sản xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).

 

Nhiều lần tìm hiểu các mô hình kinh tế của nông dân Quỳnh Nhai mới cảm nhận hết được sự lan tỏa từ phong trào thi đua  “Dân vận khéo” được những người nông dân cụ thể hóa trong đời sống, khắp từ vùng lòng hồ, vùng ven sông, vùng thấp, vùng cao ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đó là câu chuyện của những nông dân người Mông tại bản Phiêng Ban (Mường Giàng) với mô hình trồng cây sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, cả bản có 41 hộ, trồng hơn 33 ha, trung bình một năm mỗi hộ thu từ 30-50 triệu đồng. Điển hình như hộ các ông: Thào A Súa, Sùng Gà Chống trồng 4 ha, thu 3,5 tấn quả tươi, với giá bán 120 nghìn đồng/kg, thu hơn 400 triệu đồng. Từ một bản vùng cao còn nhiều khó khăn, bây giờ Phiêng Ban trở thành bản có kinh tế khá của xã Mường Giàng. Hay mô hình nuôi cá lồng của ông Lò Văn Khặn, Giám đốc HTX thủy sản xã Chiềng Bằng với 46 thành viên tham gia nuôi 962 lồng cá; ngoài ra HTX còn kết hợp nuôi vịt trời, duy trì khoảng 1.000 con vịt đẻ, nhằm cung ứng con giống cho nhân dân trong vùng. Đời sống của các thành viên trong HTX đều ổn định và khá giả. Chính từ mô hình này đã thúc đẩy mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển mạnh trên địa bàn huyện. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Quỳnh Nhai là huyện có số lượng nuôi cá lồng nhiều nhất trong tỉnh với 46 HTX thủy sản, trong đó phần lớn là của nông dân, tham gia nuôi hơn 6.800 lồng cá, sản lượng cá lồng 6 tháng đầu năm ước đạt 548 tấn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp với những loại hình xen ghép như: nuôi ong, trồng vải, nhãn, chanh, cam và cây ăn quả khác, đến nay, toàn huyện có hơn 1.000 ha cây ăn quả; trong đó 614 ha cho thu hoạch, diện tích trồng mới là 392 ha.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Xác định việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” không chỉ hô hào chung chung mà phải bằng suy nghĩ và việc làm thiết thực, cụ thể, gắn với quyền và lợi ích của hội viên, Hội Nông dân huyện đã triển khai rộng khắp trong các lĩnh vực của đời sống, nổi bật, trong lĩnh vực phát triển kinh tế được cụ thể hóa qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”. Theo đó, các cơ sở Hội vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng vùng; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân cấp trên và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo nguồn lực về vốn, giống, vật tư cho hội viên nông dân xây dựng mô hình...

Tìm hiểu được biết, với phương châm hướng về cơ sở, giúp người dân phát huy thế mạnh của từng vùng để xây dựng các mô hình phù hợp, Hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện củng cố, duy trì các câu lạc bộ khuyến nông ở cơ sở. Phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân gắn với nhu cầu của người dân, 5 năm qua, đã tổ chức 1.549 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 61.500 lượt nông dân. Không chỉ vậy, Hội còn đứng ra ủy thác vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, đến nay, trên địa bàn huyện duy trì hoạt động 66 tổ tiết kiệm, vay vốn của nông dân, 1.970 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 63 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện duy trì 3 tổ vay vốn cho 39 hộ vay với số tiền 2 tỷ đồng, qua kiểm tra, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, 5 năm qua, từ Quỹ hỗ trợ nông dân ủy thác hơn 4,3 tỷ đồng, đã tổ chức triển khai được 18 dự án cho 211 hộ vay, trong đó đã thu hồi và quay vòng 4 dự án; duy trì quản lý 14 dự án cho 149 hộ vay. Hiện nay, Quỳnh Nhai có nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng tập trung chuyên canh, thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm như: nuôi cá lồng trên lòng hồ, trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng...

Với những kết quả thiết thực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cụ thể hóa qua lĩnh vực phát triển kinh tế của nông dân huyện Quỳnh Nhai đã và đang đem lại những kết quả tích cực, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao đời sống cho hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới