“Dân vận khéo” mang đến ấm no

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai sâu rộng với các nội dung cụ thể, phong phú trên tất cả các lĩnh vực, được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả ngay từ cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang đến mùa xuân no ấm, căng tràn nhựa sống cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

10.jpg

Mô hình trồng cây sa nhân tại bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) cho thu nhập cao.

Xuân này, người dân bản vùng cao Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) đón tết vui hơn khi việc chuyển đổi trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang cây sa nhân mang lại thu nhập cao. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” chuyển đổi sang trồng cây sa nhân của gia đình ông Sùng Gà Chống.  Chuyện trò với chúng tôi, ông Chống thật thà: Khi được tuyên truyền vận động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” mình nghĩ phải làm việc gì gắn với nâng cao thu nhập, đời sống cho gia đình, bản làng. Thế rồi, trong một lần đi thăm người nhà ở Tuần Giáo (Điện Biên) thấy họ trồng cây sa nhân cho thu nhập tốt nên mình xin một ít giống về trồng thử. Sau một thời gian trồng thử nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của bản phù hợp với trồng cây sa nhân, năm 2013, gia đình đã chuyển đổi 5.000 m2 đất trồng lúa nương sang trồng cây sa nhân. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 2 năm, diện tích sa nhân của gia đình ngày càng phát triển tốt, 5.000 m2 sa nhân cho thu hoạch lứa đầu tiên gần 7 tạ quả tươi, với giá 120 nghìn đồng/kg, thu hơn 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả, gia đình đã quyết định nhân rộng diện tích trồng sa nhân lên 5 ha. Hiện nay, 5 ha sa nhân cho thu hoạch gần 3,5 tấn quả tươi/năm, với giá bán từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, thu khoảng 300 triệu đồng/năm... Từ việc chuyển sang trồng cây sa nhân, cái nghèo giờ đây không còn nữa, cuộc sống của gia đình ông Chống ngày càng sung túc, gia đình ông xây được ngôi nhà mới khang trang, chu cấp cho các con học hành chu đáo. Từ hiệu quả mô hình trồng cây sa nhân của gia đình ông Chống nhiều người dân trong bản học tập trồng theo, ông sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ về giống, kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, người dân bản vùng cao Phiêng Ban đã trồng hơn 40 ha cây sa nhân cho thu nhập cao, mang đến những mùa xuân no ấm cho người dân nơi đây.

Trở về thành phố Sơn La, trung tâm chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh, đi giữa phố phường khang trang, sạch đẹp với nhiều công trình đã hoàn thành và những dự án đang được triển khai tạo diện mạo mới cho phố núi vùng Tây Bắc. Thế nhưng mấy ai biết, để làm được điều này có phần đóng góp không nhỏ của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó nổi bật là mô hình “Giải phóng mặt bằng” của Đảng ủy phường Chiềng Sinh, nơi đang triển khai nhiều dự án lớn của Thành phố. Đồng chí Nguyễn Hồng Giang, Bí thư Đảng ủy phường thông tin: Cụ thể hóa mô hình “Giải phóng mặt bằng”, Đảng ủy, UBND phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Hiện nay, trên địa bàn phường đang triển khai 11 dự án, với tổng diện tích thu hồi 72 ha, số dân bị ảnh hưởng là 679 hộ. Đến nay các dự án cơ bản hoàn thành, một số dự án đưa vào sử dụng, tạo nên bộ mặt mới cho cửa ngõ của Thành phố.

Thật khó có thể kể hết những mô hình “Dân vận khéo” đã và đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh, bởi hiện nay, toàn tỉnh có 1.967 mô hình, trong đó 1.411 mô hình tập thể, 556 mô hình cá nhân. Các mô hình thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực sự đi vào cuộc sống khi xuất hiện đều khắp ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng với 320 mô hình lĩnh vực củng cố hệ thống chính trị; 615 mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế; 535 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội và  497 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Qua đánh giá, các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và gắn liền công tác chăm lo an sinh xã hội, cuộc sống dân sinh của người dân; đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân; xuất phát từ dân và chăm lo lại cho dân; huy động nhân dân chung sức đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Bởi vậy, các phong trào đã mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Kha Mạnh Sâm, Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy cho biết: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành từ tỉnh đến các địa phương, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tham gia với nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Kết quả của phong trào góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò điều hành và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Những kết quả thiết thực của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã khẳng định đây là chủ trương đúng, trúng ý Đảng, hợp lòng dân; đem lại những tín hiệu tích cực, tạo sự lan tỏa trong các lĩnh vực của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới