Dân tộc Mông

Dân tộc Mông ở Sơn La sinh sống ở hầu khắc các địa bàn trong tỉnh, thường ở trên các triền núi cao.Đồng bào mông chiếm 12% dân số toàn tỉnh Người Mông có các nhóm khác nhau. Mông Ðơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Ðỏ), Mông Ðu (Mông Ðen). Các tên gọi khác: Mèo, Mẹo, Miêu. Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao.

Se lanh, dệt vải và nét nghệ thuật trong trang phục phụ nữ dân tộc Mông

Cộng đồng dân tộc Mông có truyền thống văn hóa, giàu bản sắc riêng biệt, nổi bật là nghề se lanh, dệt vải của người phụ nữ Mông đã làm ra những bộ trang phục đậm nét nghệ thuật bằng chính nguyên liệu thiên nhiên của cây lanh và sự tinh tế, khéo léo của mình.

Cây lanh. 

Phụ nữ dân tộc Mông nối lanh. 

Dệt vải lanh.

Vẽ hoa văn trên vải lanh bằng sáp ong.

Bộ vẽ sáp ong trên nền vải lanh.

Thêu hoa văn.

Phóng sự ảnh: Huy Ngoan

“Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông”. Cây lanh được người Mông trồng cùng với vụ ngô, lúa. Sau khoảng 3 đến 4 tháng kể từ khi gieo hạt, cây lanh sẽ cho thu hoạch. Cây lanh thu hoạch về thời kỳ “nếp” được bóc lấy vỏ, rồi đem tước thành từng sợi nhỏ và nối với nhau thành sợi chỉ dài. Người phụ nữ luôn se lanh, nối lanh vì thế không ngạc nhiên khi ta thường gặp người phụ nữ Mông luôn mang theo cuộn lanh, túi lanh bên mình khi đi trên đường, đi chợ huyện, hay lúc nghỉ trên nương.

Sau công đoạn nối sợi lanh, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Để làm cho sợi lanh trắng, cuộn lanh được luộc trong nước tro. Lanh được luộc qua nước sôi rồi lại vớt ra, trằm đi, trằm lại khoảng 5 đến 7 lần. Khi sợi lanh trở nên mềm mại, chắc chắn và có màu trắng thì mang phơi rồi dùng guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi để dệt. Khi sợi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu.

Vải lanh bền nên thường được dùng để vẽ hoa văn của váy. Để tạo được những hoa văn in trên tấm vải trắng, người Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong vẽ lên vải trắng tạo những đường hoa văn theo một mô típ của khối những hình thoi, hình vuông đối xứng. Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Những đường nét có sáp ong, chàm không ngấm vào được sẽ tạo ra những nét hoa văn chìm khá đẹp mắt.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, gồm: áo, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Sự kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải tạo nên những họa tiết trên nền y phục. Chỉ thêu được lựa chọn là sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu. Màu sắc thường thiên về màu đỏ, vàng và đường thêu pha trộn màu khá tinh tế tạo nên màu rực rỡ của bộ trang phục.

Một số nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mông

Nguồn sống chính của đồng bào Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa, ở một vài nơi có ruộng bậc thang. Cây lương thực chính là ngô và lúa nương, lúa mạch. Ngoài ra, đồng bào còn trồng lanh dệt lấy sợi dệt vải và trồng cây dược liệu. Chăn nuôi của gia đình người Mông có trâu, bò, ngựa, chó, gà. Xưa kia người Mông quan niệm: Chăn nuôi là việc của phụ nữ, kiếm thịt trong rừng là việc của đàn ông.

Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải lanh tự dệt. Một bộ y phục cổ truyền của phụ nữ gồm có: Váy, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân. Áo phụ nữ Mông có cổ là một miếng vải trên  bả vai được thêu sặc sỡ. Váy may và trang trí công phu, là váy mở xếp nếp xoà rộng.

Ðồng bào Mông cho rằng, những người cùng dòng họ là anh em cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, phải luôn luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cưu mang nhau trong nguy nan. Mỗi dòng họ cư trú quây quần thành một cụm, có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung.

Hôn nhân của người Mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Người Mông có tục “háy pù”, tức là trong trường hợp trai gái yêu nhau, cha mẹ thuận tình nhưng kinh tế khó khăn, hai người hẹn hò nhau tại một đại điểm, rồi chàng trai dắt tay cô gái về làm vợ. Vợ chồng người Mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hoà thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ và đi hội hè”

Tết cổ truyền của người Mông tổ chức vào tháng 12 dương lịch. Trong  ngày tết, nam nữ thanh niên vui xuân thường thổi khèn gọi bạn.

Nhạc cụ của người Mông có nhiều loại, phổ biến là khèn và đàn môi. Sau một ngày lao động mệt mỏi, thanh niên dùng khèn , đàn môi gọi bạn tình, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương, đất nước.

Sự tích bánh Dày của người Mông

Thuở xưa, có chàng trai người Mông tên là PLai, bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu về làm vợ. Quyết tìm được người yêu, chàng PLai đã dùng bánh dày để làm lương thực đi tìm nàng. Qua bao gian nan khổ ải, chàng đã tìm được nàng. Cảm động trước tình yêu cao cả của chàng PLai, thần Hổ đã trả lại nàng Dợ cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thuỷ chung đôi lứa trai gái người Mông. Ngày nay, sự tích bánh dày đã đi vào lễ hội, trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Mông.

Tại tuần văn hoá các dân tộc Sơn La tổ chức tại Mộc Châu năm 2005, sự tích bánh dày được các chàng trai người Mông đến từ các địa phương trong tỉnh tái hiện lại qua cuộc thi làm bánh dày lễ hội. Các đội đến tham gia đều phải chuẩn bị các vật cụ, như: củi, trõ xôi, gạo nếp, chày, cối giã, lá chuối và các chất phụ gia chống dính khi nặn làm bánh.

Sau khi xôi chín, đổ vào cối hoặc máng, rồi theo hiệu lệnh của trọng tài, các đội tham gia thi thay phiên nhau giã hoặc vồ. Khi giã nhuyễn, người ta thi nhau nặn thành những chiếc bánh tròn, dẹt đủ kích cỡ đặt trong khuôn lá chuối cắt tỉa hình tròn, bày lên mâm trong tiếng trống giục, hò reo cổ vũ của mọi người. Sau khi hoàn thành việc làm bánh, các đội xếp hàng sau cỗ bánh dày, đợi Ban giám khảo đến kiểm tra, chấm điểm cho các đội tham gia thi làm bánh dày nhanh nhất, dẻo nhất và đẹp nhất. Cuối cùng, những chiếc bánh dày được các đội chia đều, tặng lại cho các đại biểu và những khán giả đến xem, cổ vũ.

Mùa xuân về, các chàng trai người Mông ngày nay vẫn thường mang bánh dày đi chơi xuân, ngoài làm lương thực dự trữ đường xa, bánh dày còn là món quà đầy ý nghĩa của các chàng trai, cô gái Mông đi kén duyên lấy vợ, gả chồng. Nét đẹp trong tình yêu đôi lứa mang đậm nét văn hoá truyền thống xuất phát từ lao động sản xuất, đề cao chân lý, lẽ phải của sự tích bánh dày đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tung trái Pa Pao ngày xuân

Ném pa pao là một trong những trò chơi quen thuộc của đồng bào Mông vào những ngày xuân, ngày tết cổ truyền. Trái pa pao được khâu nối các miếng vải thành những trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh hoặc bông vải, nên trọng lượng khá nhẹ đủ để bay trong không trung mà không làm đau người đón nhận. Trên một bãi cỏ bằng phẳng bên sườn đồi ở vị trí trung tâm bản, bà con kéo đến vui chơi

                                                      Đồng bào Mông ở Vân Hồ Mộc Châu hái chè                          Ảnh: Huy Ngoan

Người bản bên, xã bạn gần cũng đến tham gia trong khí vui vẻ đoàn kết. Trò chơi ném pa pao đơn giản nhưng rất vui, người chơi đứng thành từng tốp chia hai bên nam, nữ cách nhau 6-7 mét và ném theo đôi. Người ném và bắt pa pao khéo léo, không để pa pao rơi xuống đất. Trong cuộc chơi cũng tuỳ theo nhóm có thể đề ra các giao ước vui, như ai để pa pao rơi sẽ phải hát đền một bài. Ném pa pao cũng là dịp để trai gái trao gửi ánh mắt nụ cười tìm bạn đời. Khi ném pa pao là trao cả ánh mắt, nụ cười cho nhau. Các tràng trai Mông mến cô gái, thì giữ quả pa pao để sau có cớ cầm đến nhà hay tìm bạn, để bày tỏ tình cảm của mình, nếu hợp nhau, họ hẹn hò và bắt đầu bằng một mối tình.

Cứ mỗi độ xuân về trái pa pao đem đến bao nhiêu niềm vui đầm ấm đoàn kết và trái pa pao như một lời hẹn, trao nhau nỗi nhớ, để nên những lứa đôi hạnh phúc.

Đua Ngựa-Thể hiện sự dũng mãnh,tự tin của dân tộc Mông

Ngày tết ở vùng cao, trong những trò chơi mang nhiều nét văn hoá, trò chơi đua ngựa của đồng bào dân tộc Mông là cuốn hút nhiều  người hơn cả, từ người già đến trẻ con đều đi chứng kiến cổ vũ đặc biệt sự có mặt của các cô gái càng làm tăng lên không khí của cuộc đua. Đua ngựa biểu hiện của tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, mãnh liệt và tự tin, người thắng và người thua đều mừng nhau trong chén rượu nồng ấm áp giữa ngày xuân.

Trước ngày tết, cả bản rủ nhau làm đường đua ngựa, đường đua vòng quanh  trên đỉnh núi hay trên các triền núi thoai thoải, không gập nghềnh và hiểm trở. Những con ngựa được các tràng trai, chăm sóc, bồi bổ và tắm rửa kỳ cọ chải lông bóng mượt. Ngày đua được tổ chức, chàng trai gọn gàng trong sắc phục đẹp nhất, cổ đeo nhiều vòng bạc. Phát súng lệnh nổ, tốp đua ngựa như tên bắn lao về phía trước, các chàng trai rạp  người mình trên ngựa, trong chốc lát chỉ là những chấm đen, chấm trắng xa tít bên sườn núi. Người thắng cuộc là những người trở về nơi xuất phát sớm nhất. Đường đua  dài hay ngắn được quy định theo từng đợt lễ hội, những người đua đều tự giác giám sát nhau, nên đều được thực hiện đúng theo quy định và coi đây là sự cao thượng. Đua ngựa còn kèm theo các trò để thi thố tài năng, như nhào lộn trên lựng ngựa, sải mình xuống với lấy một vật gì đó đặt dưới đất hoặc lấy được bầu rượu treo trên cao đặt ở phía cuối đường bên kia rồi vòng lại. Cuộc đua ngựa diễn ra hấp dẫn trước sự hò gieo cổ vũ của bà con bản. Với các chàng trai chưa vợ dịp đua ngựa là lúc họ thể hiện mình, cố gắng tạo ra sự oai phong, dũng mãnh để lọt vào mắt các cô gái.

 Một số hỉnh ảnh dân tộc Mông

                                                                      Ẩm thực của người H'Mông                                             Ảnh: Huy Ngoan

                                                                      Thi giã bánh dày                                                     Ảnh: Huy Ngoan

                                                                                      Xay mèn mén                                                          Ảnh: Huy Ngoan

         

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới