Dân tộc Dao

Dân tộc Dao ở Sơn La quần cư chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Bắc Yên. Dân tộc Dao ở Sơn La chiếm 2,5% dân số. Ngôn ngữ thuộc nhóm Mông- Dao, các nhóm Dao đều thờ tổ tiên là họ Bàn Hồ. Đồng bào Dao sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và ruộng nước. Nông cụ sản xuất thô sơ, nhưng canh tác có nhiều tiến bộ. Một số nghề thủ công phát triển như: Dệt vải, rèn, mộc, ép dầu.

                                                                          Ttrang phục của người Dao                                         Ảnh: Huy Ngoan

Một số nét văn hóa tiêu biểu của người Dao

Đàn ông Dao để tóc dài, búi sau gáy, hoặc để chỏm trên đỉnh đầu, nay hầu hết đã cắt tóc ngắn. Y phục thường gồm quần và áo dài, áo ngắn. Trang phục phụ nữ phong phú hơn, giữ nhiều nét trang trí hoa văn truyền thống. Phụ nữ Dao để tóc dài. Cô dâu ngày cưới đội mũ. Dưới chế độ cũ, lễ cưới gồm nhiều nghi thức phức tạp.Dân tộc Dao có nền văn hoá và lịch sử lâu đời. Mặc dù điều kiện, cơ sở kinh tế thấp kém, nhưng đời sống văn hóa dân gian rất phong phú, đặc biệt là y phục dân tộc cổ truyền.Đồng bào Dao không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá gọi là chữ Nàm Dao. Người Dao có quan hệ họ hàng chặt chẽ và thông qua tên đệm để xác định dòng họ, vai vế của người đó trong quan hệ họ hàng.

 Điều mới có trong văn tự người Dao 

Ngày xưa, rừng núi bạt ngàn, người Dao thường sống trên các đầu nguồn, ngọn suối, mặc sức phá rừng làm nương, trọc lỗ tra hạt, đến khi đất đó bạc màu, ớt, gừng không còn cay, làm lụng chắt chiu không đủ ăn, lại rủ nhau du canh, du cư tìm miền đất mới để tiếp tục lại phá rừng, kiếm kế sinh nhai. Cái vòng lẩn quẩn ấy, được ông cha ghi thành văn tự như một lời nguyền, để rồi truyền tụng vào trong thi ca, cúng lễ, tễ thần... với những mong thế hệ con cháu mai sau không quên cái quy luật đó.

Trường ca có đoạn (tạm dịch): ...”Cây đứng yên chào núi rừng; bóng dáng xa, thày đến gần; Núi Mẫu Sơn nhìn thấy rồi; Người Dao mình đọc sách; sách quý đấy, hãy giữ lấy; Ðã bao đời tổ tiên lưu truyền; Người Dao mình thuộc từng trang; Sách quý đấy, hãy giữ lấy; Ta lớn khôn từ trang sách này, sách quý ơi; Từ Mẫu Sơn, núi xanh thẫm; Mẹ ru lời ngọt ngào...” Cứ thế, người Dao trước đây nghe lời truyền tụng, cứ chặt phá rừng, cứ du canh du cư mà cuộc sống vẫn không hề đổi khác. Ngày nay, nhờ có Ðảng, có Bác Hồ dẫn đường chỉ lối, đồng bào Dao đã định canh, định cư, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào phát triển sản xuất, thu nhập ổn định, đời sống bà con từng ngày khởi sắc. Cứ mỗi lần nghe lại:.. “Sách nó nói, chặt phá rừng...” là thế hệ con cháu người Dao hôm nay lại cảm thấy trạnh lòng. Ðể rồi, chính họ đã lên tiếng phản bác lời truyền tụng và bổ sung bằng những lời khuyên răn:...” Ai lên nương, vấn vương cây rừng; xin hãy đừng nghe sách nó nói; Rừng yêu mình, như mẹ hiền cho con bú; chặt phá rừng như bầy quỷ, phá tương lai; Ðảng cho sách vàng, định hướng tới tương lai; không du cư, người Dao mình hạnh phúc, cuộc sống tốt lành...!”

Tất cả ý thơ đó đã được nhạc sỹ Phạm Tịnh thổi nốt nhạc thành bài hát nổi tiếng, mang âm hưởng của thần núi, thần sông, thôi thúc những tâm hồn, sức trẻ cường tráng của những chàng trai, cô gái người Dao miền sơn cước hôm nay hãy cùng nhau giữ lấy rừng, cho tương lai cuộc sống sinh sôi. Ngày xuân, quây quần bên bếp lửa hồng, bập bùng theo tiếng nhạc và điệu múa chuông khoẻ khắn, lắc lư cùng những chum rượu đầy, nghe lại những lời cải biên đổi mới trong văn tự người Dao, ai ai cũng cảm thấy tự hào, tin tưởng trước một tương lai tươi sáng.

Một số hình ảnh về dân tộc Dao ở Sơn La:

Rước dâu của dân tộc Dao

Thầy cúng làm lễ  trong ngày cưới của dân tộc Dao.

Nét độc đáo trong đám cưới của người Dao Tiền

Tại Sơn La, người Dao Tiền sinh sống chủ yếu ở huyện Mộc Châu và Phù Yên. Ngày nay, người Dao Tiền vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó phải kể đến lễ cưới truyền thống. Đám cưới được coi là một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời của mỗi con người.

Đám cưới của người Dao Tiền được có 3 nghi lễ chính: lễ rước dâu, lễ xin dâu và lễ nhập khẩu cho cô dâu. Các thủ tục, nghi lễ phức tạp chủ yếu được thực hiện tại nhà gái và do chú rể và người nhà trai thực hiện.

Lễ rước dâu diễn ra đầu tiên trong buổi sáng sớm vào ngày đã được chọn. Nhà trai cử một ông mối, một người phụ nữ trung niên là cô, dì hoặc bác chú rể làm người dẫn đường, một phù dâu là em gái của chú rể. Trước khi được rước ra khỏi cửa nhà mình, cô dâu sẽ được họ hàng mang trang phục với khăn, áo, váy đến mặc và khoác lên người. Cô dâu nào có càng nhiều họ hàng, hay được nhiều người yêu quý thì ngày rước dâu số trang phục mặc trên người sẽ càng nhiều. Sau khi làm lễ xong, các bộ váy áo sẽ được trả lại cho chủ của nó. Ông mối của nhà trai có nhiệm vụ làm lễ “choàng xin” để cầu an cho cô dâu trước khi lên đường về nhà chồng.

Lễ xin dâu diễn ra ngay trong buổi tối ngày hôm đó. Nhà trai cử một đoàn người mang lễ vật sang nhà gái, gồm: thịt lợn, muối trắng và bánh nếp được đặt trong các sọt đan bằng tre, dùng để chia đều cho họ hàng nhà gái. Khi lễ vật được mang tới, chú rể trong trang phục truyền thống có nhiệm vụ dâng rượu, làm lễ xin dâu và nhận các anh, chị ruột, các anh rể, chị dâu của bên nhà gái.

Lễ nhập khẩu cho cô dâu diễn ra tại nhà trai. Cô dâu về đến nhà trai, trước khi bước vào nhà sẽ được họ hàng của chú rể mang trang phục đến mặc và khoác lên người giống như lễ rước dâu tại nhà gái. Sau khi vào nhà, nhà trai sẽ tổ chức một bữa cơm nhờ thầy mo làm lễ nhập khẩu, thông báo với tổ tiên về việc nhà có thêm dâu mới.

Đám cưới người Dao Tiền ngày nay có nhiều thay đổi so với trước kia khi có sự pha trộn các yếu tố hiện đại nhưng những nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì. Với người Dao Tiền, đám cưới không chỉ là nghi lễ tác thành cho đôi trẻ mà còn thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng dòng tộc, là dịp để anh em, họ hàng họp mặt, chung vui cùng gia chủ.

Một số hình ảnh:

Họ hàng mặc áo cưới cho cô dâu

Cô dâu chuẩn bị ra cửa

Lễ cầu an cho cô dâu trước khi lên đường về nhà chồng

Muối trắng là một trong những lễ vật không thể thiếu nhà trai mang sang nhà gái

Cô dâu và chú rể

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới