Đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá trong dịp Tết

Thực hiện Chỉ thị số 18 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, Sở Công Thương đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn trên địa bàn chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết.

Người dân mua sắm hàng hóa tại cửa hàng trên đường Chu Văn Thịnh (Thành phố).

Trong đó, yêu cầu hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết, không được lợi dụng tình hình đột biến của thị trường để đầu cơ, găm hàng, tùy tiện nâng giá, bán hàng kém chất lượng. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thành viên như: Quản lý thị trường, y tế, công an, Chi cục Hải quan... tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, Tết Nguyên đán năm nay tình hình thị trường hàng hóa trong nước giữ mức ổn định. Dự báo, sức mua trong dịp Tết tăng khoảng 15-20% so với ngày thường và không tăng nhiều so với Tết Mậu Tuất 2018. Riêng các mặt hàng nông sản, thực phẩm như gà ta, thịt lợn, thịt bò, gạo nếp loại ngon, măng khô... biên độ biến động giá tăng hơn khoảng trên 10%.

Ghi nhận của chúng tôi, vào thời điểm này, thị trường hàng hóa trên địa bàn tương đối phong phú, đa dạng; giá một số mặt hàng thiết yếu tại các chợ trên địa bàn Thành phố có chiều hướng tăng nhẹ. Thịt gà ta từ 130-150 nghìn đồng/kg; thịt bò 250-280 nghìn đồng/kg; thịt lợn ngon từ 110-130 nghìn/kg; cá chép, cá trắm từ 90-110 nghìn đồng/kg... Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, hệ thống phân phối đến tận các huyện, xã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đối với các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, gạo nếp, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm tươi sống... các đơn vị đầu mối, các đại lý lớn và thương nhân đã tập kết đầy đủ, nên sẽ không có hiện tượng khan hàng, tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với những mặt hàng do Việt Nam sản xuất với mẫu mã phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với người tiêu dùng ở địa bàn nông thôn, miền núi; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai thực hiện, phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tích cực tổ chức bán hàng lưu động, mở các điểm bán hàng thiết yếu như: muối Iốt, dầu hoả, đường, sữa, nước mắm, mì chính, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, quần áo... tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận được với nguồn hàng chất lượng, giá cả bình ổn.

Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn mang lại nhiều ý nghĩa to lớn, vừa góp phần bình ổn thị trường và ổn định giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu, vừa đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho đồng bào vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cũng qua chương trình này, các doanh nghiệp sẽ nắm được nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, từ đó xây dựng kênh lưu thông, phân phối và hình thức bán hàng phù hợp...

Ngoài dự trữ hàng hóa thiết yếu, công tác quản lý thị trường là vấn đề được quan tâm của các cơ quan chức năng trong những ngày trước, trong và sau Tết. Thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 27/12/2018 đến ngày 17/1/2019, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra 769 vụ, xử lý 525 vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 946 triệu đồng. Hiện nay, lực lượng kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đang tiếp tục mở nhiều đợt kiểm tra về vấn đề đăng ký, kê khai, niêm yết, bán đúng giá tại các kho hàng, cửa hàng kinh doanh, nhằm tránh hành vi gian lận trong thương mại. Ngoài ra cũng tăng cường kiểm soát về chất lượng, nhãn hiệu, nguồn gốc hàng, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực hiện bán hàng theo giá niêm yết... Kiểm tra việc tăng giá vé của các hãng xe vận tải hành khách trong dịp Tết này.

Dự báo giá cả hàng hóa thị trường dịp Tết sẽ tăng nhưng ít biến động. Để tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá tăng, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới