Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu

Hàng năm, cứ đến Tết Trung thu, thị trường hàng hoá, nhất là mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt, quả tươi trở nên sôi động, phong phú hơn. Dịp này các nhà sản xuất tung ra thị trường một lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dễ trà trộn bày bán, đánh lừa người tiêu dùng. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu nói riêng trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Trước hết, các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Yêu cầu các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước ngọt, các loại quả tươi. Đẩy mạnh kiểm soát loại hình mua bán hàng qua mạng (kinh doanh Online)...

Các ngành chức năng thành viên Ban chỉ đạo về An toàn thực phẩm của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra theo phân cấp. Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm: quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phấm; kiếm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm và các nội dung khác có liên quan. Lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đối với các trường hợp vi phạm thuộc diện phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn kiểm tra và các đơn vị chức năng, các địa phương phải kịp thời công bố công khai vi phạm theo quy định, nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm. Tổ chức bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp để phổ biến, tuyên truyền kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm như: tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Đặc biệt là sử dụng hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn; tổ, bản, tiểu khu tham gia tuyên truyền chính sách pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương.

Để Tết Trung thu vui vẻ, an toàn cho mọi gia đình, đặc biệt là cho trẻ em, mỗi người hãy là “người tiêu dùng thông thái”, chỉ chọn mua các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là việc làm nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới