Đảm bảo an toàn lao động tại các nhà máy

Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 13 nhà máy sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng và một số sản phẩm khác với trên 1.000 lao động. Cùng với việc duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, giúp người lao động có sức khỏe tốt, yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ca sản xuất tại Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty TNHH Thanh Nhung.

Trước khi bước vào ca làm việc, anh Lò Văn Thích, công nhân nhà máy chế biến gỗ, Công ty TNHH Thanh Nhung, thuộc Khu Công nghiệp Mai Sơn, luôn chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như quần, áo, ủng, găng tay, khẩu trang. Anh Thích chia sẻ: Công nhân làm việc tại nhà máy phải tiếp xúc với máy móc, bụi gỗ, có nguy cơ tai nạn cao nên tôi luôn chấp hành quy định của đơn vị về đảm bảo an toàn trong sản xuất. Trong khi làm việc, công nhân luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, đồng thời giữ môi trường làm việc sạch sẽ, sắp xếp dụng cụ ngăn nắp, khoa học. Định kỳ mỗi năm 1 lần được huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh lao động trực tiếp tại nơi làm việc để nhận biết các yếu tố nguy hiểm, có hại và chủ động phòng, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhung, cho biết: Công ty hiện có 30 công nhân đang trực tiếp làm việc tại nhà máy chế biến gỗ. Với đặc thù hoạt động trong ngành sản xuất gỗ, rất nhiều bụi, chúng tôi tuyệt đối giữ vệ sinh chung tại nơi sản xuất. Hằng ngày, dọn dẹp sạch sẽ sau ca sản xuất, để tránh xảy ra tai nạn lao động. Công ty có cán bộ kỹ thuật, thường xuyên đi kiểm tra các máy móc có đủ điều kiện để vận hành hay không và hướng dẫn người lao động vận hành để tránh tối đa việc xảy ra mất an toàn lao động.

Cũng tại Khu công nghiệp Mai Sơn, Chi nhánh Tổng Công ty gas Petrolimex - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, tiềm ẩn rủi ro rất lớn về nguy cơ mất an toàn lao động, cháy, nổ, đã xây dựng quy trình sản xuất, vận hành an toàn. Ông Lò Thanh Thảo, Giám đốc Chi nhánh, cho biết: Xăng, dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là điều kiện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Đơn vị chúng tôi thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ cá nhân cho người lao động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho 1 công nhân làm công tác an toàn vệ sinh viên tại Chi nhánh, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động của các công nhân, từ việc sản xuất đến khám sức khỏe theo quy định.

Bể nước chữa cháy tại nhà máy gạch Mường Bon đảm bảo sẵn sàng sử dụng khi có tình huống cháy nổ xảy ra.

Nhà máy gạch Mường Bon, thuộc Công ty cổ phần gạch Mường Bon, có công suất trên 27 triệu viên gạch/năm; hiện có 60 công nhân đang làm việc ở các tổ chế biến đất, tổ tạo hình và bốc xếp. Do công nhân làm việc trong môi trường sản xuất thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi và máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, nên nhà máy thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn lao động tại tất cả các tổ sản xuất. Ông Hoàng Tiến Hùng, Quản đốc phân xưởng sản xuất, thông tin: Bên cạnh việc quan trắc môi trường định kỳ trong các tổ sản xuất và nơi có người lao động làm việc, chúng tôi còn trang bị đầy đủ và thường xuyên kiểm tra các phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, các hộc cứu hỏa, bình chữa cháy, xây dựng bể nước chữa cháy dung tích trên 30 m³, đảm bảo sẵn sàng sử dụng khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Nâng cao năng suất lao động, nhà máy đã đầu tư dây chuyền sản xuất tự động từ sơ chế, nghiền, nhào trộn nguyên liệu, tạo khuôn gạch mộc, đến xếp phôi sản phẩm thành phẩm đưa vào lò nung... Ngoài ra, khí thải từ lò nung được xử lý triệt để qua hệ thống mương thu khói, hút lên ống khói cao 60 m, sau đó được bơm nước khử bụi, bảo đảm không có khói bụi phát tán ra môi trường

Công nhân Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La được trang bị bảo hộ sản xuất.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, huyện Mai Sơn đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, rà soát các đơn vị có nguy cơ để kịp thời chấn chỉnh. Qua kiểm tra, hầu hết, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. 100% các doanh nghiệp đã xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn cho người lao động... Từ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, nên nhiều năm nay trên địa bàn không xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, sức khỏe công nhân, nhân viên được bảo đảm.

An toàn trong lao động được thực hiện tốt là một trong những yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp thu hút lao động, tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh đẹp của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để huyện Mai Sơn thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới