Da muối chua - món ngon đặc biệt của Sơn La

Sơn La, vùng đất nổi tiếng với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa ẩm thực. Mỗi dân tộc có những món ẩm thực đặc biệt. Với đồng bào dân tộc Thái, các món ẩm thực khá đa dạng, hấp dẫn, trong đó có món da chua độc đáo.

9.jpg

Da muối chua món ăn đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.

Từ xa xưa, với đồng bào dân tộc Thái, thịt trâu, bò được chế biến trở thành những món ngon mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Da trâu, bò còn để sử dụng làm mặt trống, hay nẹp đập lúa. Không những vậy, với sự khéo léo, tài tình, da trâu, bò còn được chế biến trở thành món đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, được nhiều người biết đến, đó là món da muối chua. Sau khi cạo lông và rửa sạch, người làm sẽ cắt từng miếng da bằng lòng bàn tay và nướng sơ qua lửa hoặc than nóng cho đến khi da có màu vàng và dậy mùi thơm, được rửa sạch bằng nước nóng và đem luộc.

Bà Tòng Thị Lặn, bản Bó Ẩn, phường Chiềng Cơi (Thành phố) là một người đã có kinh nghiệm làm da muối chua, cho biết: Công đoạn luộc da rất quan trọng, vì nếu luộc miếng da chín quá sẽ khiến da bị nhũn làm mất đi độ giòn ngon của da. Nên khi thực hiện công đoạn này, da sẽ chỉ được luộc chín tới. Để nhận biết da đã đạt độ yêu cầu hay chưa, người làm sẽ bấm ngón tay vào miếng da, nếu thấy vẫn còn cứng tức là chưa đạt, khi thấy hơi mềm tức da đã đạt yêu cầu.

Sau khi luộc xong, da sẽ được vớt ra để nguội, ráo nước, sẽ được thái thành từng miếng đều dày khoảng 1 - 1,5 cm và có độ dài chừng 5 - 6 cm, để khi ướp, gia vị sẽ ngấm sâu vào bên trong. Gia vị để ướp cũng rất quan trọng, quyết định vị ngon của món da chua. Các loại gia vị được sử dụng, gồm: giềng giã nhỏ, thính gạo, tỏi, ớt, chút đường, muối và mì chính. Tất cả sẽ được trộn đều và cho vào hộp đựng hoặc những chum nhỏ được đậy kín để nơi thoáng mát, để khoảng 5 - 6 ngày là có thể sử dụng.

Những miếng da muối chua được sử dụng kèm với các loại rau thơm thái nhỏ cùng lạc rang. Tùy vào khẩu vị của mỗi người, có thể bổ sung thêm hạt tiêu, ớt... Da muối chua khi ăn có cảm giác giòn sần sật, bùi, rôn rốt chua, có hương vị của riềng lẫn vị cay cay của ớt, được hòa quyện lại với nhau rất khó quên. Đồng bào dân tộc Kinh có món củ kiệu, dưa hành muối chua ăn kèm với bánh chưng, thì đồng bào dân tộc Thái lại có món da muối chua  ăn kèm cùng bánh chưng để giảm độ ngấy của bánh. Không chỉ vậy, da muối chua cũng có thể làm món ăn riêng cùng với các loại thực phẩm khác hay để dùng làm món “nhậu” trong tiệc rượu những ngày đầu xuân năm mới.

Trước đây, món ăn này chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, tết, nhưng nay trở thành món trong các bữa ăn hàng ngày. Với hương vị đặc biệt của món ăn này, đã chinh phục được rất nhiều thực khách, đem lại những ấn tượng khó quên đối với du khách mỗi lần đến với Sơn La.

Đức Anh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới