Đà giang mùa nước nổi

Trong hành trình ngược dòng Đà giang, chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ khi được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên mùa nước nổi, thưởng thức những “đặc sản” văn hóa, ẩm thực độc đáo của người dân vùng lòng hồ, chứng kiến cuộc sống của bà con bên bờ sông Đà đang khởi sắc.

Chợ phiên Vạn Yên mùa nước nổi.

Đúng hẹn, chúng tôi trở lại Tân Phong, xã vùng lòng hồ của huyện Phù Yên để ngắm một Đà giang rất khác vào mùa nước dâng. Bình minh, khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng đầu tiên làm bầu trời ửng hồng, những áng mây vờn quanh ngọn núi hùng vĩ, những chiếc thuyền đánh cá lúc ẩn, lúc hiện trong làn sương mờ, tất cả đã vẽ nên một bức tranh lãng mạn của miền sơn thủy hữu tình. May mắn trong hành trình, chúng tôi được gặp người cán bộ đã có thâm niên gần 50 năm gắn bó với mảnh đất này - ông Đinh Công Ngoan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Ông trầm ngâm kể lại: 33 năm về trước, nơi đây từng là ruộng lúa hơn 120 ha. Vì dòng điện của Tổ quốc, nhân dân xã Tân Phong đã nhường đất, nhường ruộng, người di vén, người rời quê hương tới điểm tái định cư để giải phóng lòng hồ. Từ khi hồ thủy điện Hòa Bình tích nước, người dân nơi đây bắt đầu mưu sinh bằng nghề làm vó, đánh lưới bắt cá, nuôi trồng thủy sản trên 350 ha diện tích mặt hồ. Từ nuôi trồng nhỏ lẻ, tự phát, đến nay, người dân Tân Phong đã liên kết thành lập HTX thủy sản Tân Phong, với hơn 100 lồng nuôi cá. Bà con trong xã cũng tận dụng đất nương, đồi 2 bên bờ sông để trồng gần 90 ha cây ăn quả, để mảnh đất cằn có thêm chuối ngọt, xoài thơm.

Khi chiều về, ánh hoàng hôn dần buông, sắc đỏ của bầu trời in bóng xuống mặt hồ trong veo. Chẳng mấy chốc, trước mắt chúng tôi là một góc sông Đà lung linh huyền ảo, khi hàng trăm bóng điện ở các nhà thuyền, lồng nuôi cá bừng sáng. Trở về sau một ngày đánh bắt “bội thu”, ông Đinh Văn Tường, bản Mùng phấn khởi, khệ nệ bê chậu cá tươi, nguyên liệu chính để làm món cá chua sông Đà - ẩm thực độc đáo vùng hồ. Bên bếp lửa, người đánh vảy, người ướp cá, thi thoảng điện thoại chủ nhà lại reo bởi những cuộc gọi đặt hàng. Mời chúng tôi dùng thử miếng cá chua đậm đà, sản phẩm chuẩn bị “lên kệ”, ông Tường nói: Những ngày này, nhu cầu thị trường tăng, có những đơn đặt hàng trăm hộp, tôi phải huy động cả gia đình cùng làm mới kịp. “Bén duyên” với món ẩm thực độc đáo này đã hơn 3 năm, theo ông Tường, làm cá chua không quá vất vả, phù hợp với tuổi “xế chiều” của hai vợ chồng, lại tận dụng được các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt của gia đình. Thêm nữa, được chính quyền, các cấp, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện, sản phẩm cá chua được quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ nông sản trong tỉnh, nên món ăn ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, ưa chuộng, trở thành đặc sản ẩm thực nơi đây.

Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định dậy sớm để khám phá thêm “đặc sản” văn hóa của người dân vùng hồ - chợ phiên Vạn Yên. Phiên chợ bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng và chỉ diễn ra trong vòng 2-3 giờ. Chợ họp vào các ngày mùng 6, 16 và 26 (dương lịch) hằng tháng. Tại khu đất trống sát bờ sông phía sau trụ sở UBND xã Tân Phong. Những thuyền máy lớn chở đầy hàng đợi sẵn từ bao giờ, vài chục chiếc thuyền nhỏ chở người dân từ các xã, bản lân cận cũng đang cập bến. Khung cảnh trên bến, dưới thuyền nhanh chóng được lưu lại trong máy ảnh của chúng tôi. Tranh thủ hỏi chuyện bà Hà Thị Thao, bản Suối Lốm, xã Nam Phong, được biết, bà đã đón chuyến thuyền sớm nhất từ xã sang đây để kịp tới phiên chợ. Trong xã không nhiều hàng quán, đường đến trung tâm huyện lại xa, tuổi đã cao, nên chỉ khi có việc quan trọng bà mới ra chợ huyện, còn lại đều chờ đến chợ phiên để mua sắm. Dạo quanh một vòng phiên chợ, chúng tôi nhận thấy, dù là chợ vùng hồ, nhưng mặt hàng vô cùng đa dạng, bởi sự góp mặt của các tiểu thương đến từ khắp các vùng, miền như Sơn La, Hòa Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định... Từ những con cá, con gà, đồ thổ cẩm, quần áo, đồ điện, sửa chữa đồng hồ; đến đồ khô, đồ trang trí nội thất cũng được bày bán phục vụ nhu cầu của bà con. Đặc biệt, chợ phiên Vạn Yên còn là dịp để bà con xã Tân Phong, Nam Phong, Tường Phong mang “đặc sản” của nhà trồng, nuôi đến trao đổi, buôn bán. Một vài chị, em phụ nữ đầu đeo gùi mây nặng trĩu, xếp đầy những nải chuối, chẳng mấy chốc đã bán hết và mang về những gói miến khô, bánh, kẹo, chiếc đèn nhấp nháy; những đứa trẻ thì thích thú ướm lên mình chiếc áo mới được mẹ mua; một vài bạn trẻ ngồi bên góc thuyền hàn huyên... Cứ vậy, một vùng sông nước nhộn nhịp với tiếng nói cười giòn giã.

Khi những chiếc thuyền hàng nối đuôi nhau rời bến đến các điểm họp chợ tiếp theo, chúng tôi cũng trở về phố huyện. Hình ảnh về cuộc sống và sinh hoạt thanh bình, giản dị vùng ven sông ấy để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc. Và dường như, chúng tôi đã “phải lòng” vẻ đẹp đầy sức hút của sông Đà - một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới